Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ Văn Lớp 9 - Năm học 2017-2018

docx 5 trang nhatle22 4570
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ Văn Lớp 9 - Năm học 2017-2018", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docxde_thi_chon_hoc_sinh_gioi_cap_tinh_mon_ngu_van_lop_9_nam_hoc.docx

Nội dung text: Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ Văn Lớp 9 - Năm học 2017-2018

  1. UBND TỈNH BẮC NINH HƯỚNG DẪN CHẤM SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH NĂM HỌC 2017- 2018 Môn: Ngữ văn - Lớp 9 (Hướng dẫn chấm có 05 trang) Câu 1(4,0 điểm) a. Giới thiệu tác giả, xuất xứ, nội dung của hai đoạn thơ (0,5 điểm): - Đoạn thơ thứ nhất trích trong bài thơ Tiếng thu của nhà thơ Lưu Trọng Lư, được sáng tác trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. - Đoạn thơ thứ hai trích trong bài thơ Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh, được sáng tác cuối năm 1977. - Hai đoạn thơ đều viết về đề tài mùa thu. b. Nét riêng về vẻ đẹp của bức tranh thu và cảm xúc của thi nhân (3,0 điểm): - Cảnh thu: + Cảnh trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư là cảnh rừng thu mơ mộng, tĩnh lặng, đẹp như tranh vẽ, với phông nền là lá khô rơi xào xạc và con nai vàng ngơ ngác trên thảm lá vàng - một tín hiệu mùa thu thường gặp trong thơ ca truyền thống. + Sang thu của Hữu Thỉnh có những hình ảnh quen thuộc, gần gũi làm nên một tứ thơ mới mẻ để làm tín hiệu giao mùa: cảnh vườn thu, ngõ xóm của đồng bằng Bắc Bộ, không gian hẹp hơn với mùi hương ổi; hình ảnh đặc trưng của tiết thu xứ Bắc là gió heo may se lạnh, đặc biệt hình ảnh sương thu được gợi tả cụ thể, độc đáo, có hồn bằng phép nhân hóa: Sương chùng chình qua ngõ. - Cảm xúc của thi nhân trước mùa thu: + Tiếng thu của Lưu Trọng Lư phảng phất nỗi buồn, trống trải nơi tâm hồn một thi nhân lãng mạn trước Cách mạng qua hình thức câu hỏi tu từ và những từ ngữ, hình ảnh gợi cảm + Xúc cảm của thi nhân trong Sang thu nghiêng về cảm nhận giây phút giao mùa hết sức tinh tế, những rung động nhẹ nhàng, tình cảm gắn bó thiết tha với quê hương qua các từ ngữ diễn đạt cảm xúc ngỡ ngàng, hạnh phúc, bối rối (bỗng, phả, hình như) và cách cảm nhận mùa thu bằng tâm hồn tinh tế, rộng mở. c. Đánh giá (0,5 điểm): Hai đoạn thơ là hai bức tranh mùa thu ở hai thời đại khác nhau với đường nét, màu sắc tinh tế mang cảm xúc sâu lắng của thi nhân trước cảnh yên bình, nét đẹp của thiên nhiên. Mỗi đoạn thơ đều tạo ấn tượng cho người đọc về vẻ đẹp tâm hồn và dấu ấn nghệ thuật riêng của mỗi nhà thơ. Câu 2 (6,0 điểm) A. Yêu cầu về kĩ năng: Vận dụng thuần thục cách làm bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt sáng rõ, trôi chảy; hạn chế tối đa việc mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp. B. Yêu cầu về kiến thức : Thí sinh có thể trình bày vấn đề theo nhiều cách khác nhau nhưng cần làm rõ được các ý chính sau :
  2. 1. Ý nghĩa câu chuyện (1,0 điểm) - Tóm tắt câu chuyện : Có một người sống sót trong một tai nạn đắm tàu và trôi dạt vào một hòn đảo nhỏ. Anh ta đã tạo được một túp lều, ngày ngày nhìn về phía chân trời mong được cứu thoát. Một ngày, anh rời khỏi lều tìm thức ăn và khi trở về, túp lều đã ngập lửa, khói bốc lên nghi ngút. Trong khi anh chết lặng, tuyệt vọng thì sáng hôm sau, anh bị đánh thức bởi âm thanh chiếc thuyền đang đến gần đảo. Họ đến cứu anh vì nhận ra tín hiệu khói. - Ý nghĩa câu chuyện: Trong cuộc sống, con người phải luôn luôn hi vọng, tin tưởng vào tương lai và có bản lĩnh sống. Bởi ngay trong lúc tưởng chừng tuyệt vọng nhất, biết đâu điều kỳ diệu sẽ đến. 2. Bàn luận (4,0 điểm) - Người đàn ông trong câu chuyện bị tai nạn đắm tàu, lều và đồ đạc còn sót lại của anh đều bị cháy hết => Cuộc sống luôn có nhiều khó khăn, thử thách, nhiều bất trắc khôn lường mà con người phải đối diện, trải qua. - Cuộc sống rất công bằng, cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra; trong hoàn cảnh tưởng chừng tuyệt vọng nhất, một lối thoát kì diệu cũng sẽ hé mở: người đàn ông được cứu thoát đúng lúc anh đang rơi vào tuyệt vọng chứng kiến túp lều bị cháy. Cuộc sống không có con đường cùng chỉ có những ranh giới, điều quan trọng con người phải luôn giữ vững niềm tin, hi vọng vào những điều tốt đẹp. Niềm tin, hi vọng giúp con người có đủ bản lĩnh, nghị lực, sức mạnh tinh thần to lớn vượt qua những khó khăn, thử thách để thành công. - Niềm tin, niềm hi vọng không đồng nghĩa với những mơ tưởng hão huyền, viển vông, không thực tế. Niềm tin cần phải gắn liền với hành động (dù bị đắm thuyền, trôi dạt đến một đảo hoang, người đàn ông vẫn cố gắng dựng lều làm nơi trú ẩn, tìm kiếm thức ăn và cầu mong được cứu thoát). Vì một hành động thiết thực hơn ngàn mơ ước hão huyền. - Có nhiều tấm gương sáng trong học tập, lao động, chiến đấu nhờ giữ vững niềm tin, hi vọng đã nỗ lực vươn lên đạt được những thành công nhất định. Trái lại, cần phê phán lối sống bi quan, nhút nhát, yếu hèn, buông xuôi , khiến con người dễ gục ngã, đầu hàng số phận. Mỗi luận điểm cần phải có dẫn chứng minh họa. Chấp nhận những cách viết khác nhưng hợp lí thể hiện tư tưởng thái độ trong sáng, đúng mực. 3. Bài học nhận thức và hành động (1,0 điểm) - Phải hiểu vai trò quan trọng của việc giữ vững niềm tin, hi vọng trong cuộc sống. Niềm tin, hi vọng càng có ý nghĩa hơn khi nó được lan tỏa trong cộng đồng. - Phải luôn rèn luyện bản lĩnh, nghị lực, lòng kiên nhẫn để gìn giữ niềm tin, lòng hi vọng trong cuộc sống đầy khó khăn bất trắc. C. Biểu điểm: - Điểm 5-6: Có hiểu biết phong phú về đời sống, kiến thức vững vàng, kĩ năng nghị luận tốt. Hành văn trong sáng, có cảm xúc. - Điểm 3-4: Hiểu đề, đáp ứng được khoảng ½ yêu cầu trên, còn một số lỗi về diễn đạt, chính tả. - Điểm 1-2: Không hiểu đề hoặc hiểu còn mơ hồ, bài viết mắc nhiều lỗi diễn đạt. - Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề. Giám khảo có thể chấm theo ý; điểm nội dung kết hợp với hình thức.
  3. Câu 3 (10,0 điểm) A. Yêu cầu chung. - Bài viết thể hiện sự hiểu biết về giá trị nội dung và nghệ thuật trong đoạn trích Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều, Nguyễn Du) và Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải), biết phương pháp làm bài nghị luận về đoạn thơ, bài thơ. - Vận dụng thao tác so sánh, đối chiếu để tìm ra điểm giống và khác nhau trong bút pháp miêu tả và cảm nhận của hai nhà thơ tiêu biểu cho hai thời đại, thời kỳ văn học. - Thể hiện kĩ năng tạo lập văn bản, ngôn ngữ diễn đạt và khả năng cảm thụ. B. Yêu cầu cụ thể: 1. Giới thiệu vấn đề nghị luận (1,0 điểm). - Nguyễn Du và Thanh Hải là hai nhà thơ tiêu biểu cho hai thời đại thơ ca khi viết về đề tài mùa xuân. - Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều, Nguyễn Du) và Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải) có những điểm giống và khác nhau trong bút pháp miêu tả cảnh thiên nhiên mùa xuân và đất nước, con người trong cảm xúc của thi nhân. 2. Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên mùa xuân và đất nước, con người trong Cảnh ngày xuân và Mùa xuân nho nhỏ (7,0 điểm) 2.1. Vẻ đẹp thiên nhiên mùa xuân (3,5 điểm) a. Giống nhau (0,5 điểm): Cảnh vật hiện lên với những nét vẽ đơn sơ, phác họa, chấm phá. Với số lượng câu từ ngắn gọn, hàm súc, các tác giả vẽ lên được bức tranh thiên nhiên mùa xuân tràn đầy sức sống với đường nét, màu sắc, âm thanh, khí trời, không gian mang đặc trưng cảnh sắc mùa xuân. b. Khác nhau (3,0 điểm): - Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều, Nguyễn Du) là bức tranh mùa xuân, không gian đầu tháng ba thoáng đãng. Cảnh vật với đàn chim én bay lượn nhịp nhàng như thoi đưa. Thảm cỏ non trải rộng tới chân trời là gam màu nền cho bức tranh xuân. Trên nền màu xanh non ấy điểm xuyết một vài bông hoa lê trắng. Màu sắc có sự hài hòa tới mức tuyệt diệu. Tất cả đều gợi lên vẻ đẹp riêng của mùa xuân: mới mẻ, tinh khôi, giàu sức sống (cỏ non), khoáng đạt, trong trẻo (xanh tận chân trời), nhẹ nhàng, thanh khiết (trắng điểm một vài bông hoa). Chữ điểm làm cho cảnh vật trở nên sinh động, có hồn. Ngôn ngữ giàu chất tạo hình, gợi cảm. Qua bức tranh thơ, người đọc cảm nhận được tâm hồn thi sĩ vui tươi, phấn chấn, nhạy cảm tha thiết trước cảnh sắc thiên nhiên của mùa xuân. + Cảnh sắc mùa xuân có sự thay đổi theo thời gian và tâm trạng của con người. Cảnh vẫn mang cái thanh, cái dịu của mùa xuân: nắng nhạt, khe nước nhỏ, một nhịp cầu nhỏ bắc ngang , nhưng tất cả đang nhạt dần, lặng dần. Cảnh vật như có linh hồn, phảng phất nỗi u buồn của con người qua bút pháp cổ điển: tả cảnh ngụ tình. - Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải) là bức tranh mùa xuân thiên nhiên có cả không gian cao rộng (dòng sông xanh, mặt đất, bầu trời bao la), sắc màu tươi thắm (sông xanh, hoa tím biếc – màu tím đặc trưng của xứ Huế), âm thanh vang vọng tươi vui của chim chiền chiện (hót vang trời) Bức tranh có thêm hình ảnh con người đang say sưa ngắm cảnh vật, bàn tay đang trân trọng đón giọt mưa xuân long lanh hoặc giọt âm thanh tiếng chim (nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác). Có con người, bức tranh thiên nhiên mùa xuân như sống động hơn.
  4. + Một vài nét vẽ, đan xen một chút chất nhạc, Thanh Hải đã phác họa được một bức tranh có hồn của mùa xuân xứ Huế đầy đủ cả màu sắc, hình ảnh, âm thanh. Từ đó, bộc lộ được niềm say sưa, ngây ngất của tác giả trước thiên nhiên đất trời mùa xuân. 2.2. Vẻ đẹp đất nước, con người (3,5 điểm) a. Giống nhau (0,5 điểm): Trên nền cảnh mùa xuân tươi đẹp, con người luôn giao hòa với thiên nhiên. Ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm và các biện pháp tu từ được sử dụng để tạo nên những hình ảnh sinh động. b. Khác nhau (3,0 điểm): - Trong Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều, Nguyễn Du), tác giả tái hiện khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh: lễ tảo mộ - đi viếng mộ, quét tước, sửa sang phần mộ của người thân; hội đạp thanh – đi chơi xuân ở chốn đồng quê. + Không khí lễ hội rộn ràng được thể hiện qua cách dùng các từ ghép: từ ghép danh từ (yến anh, chị em, tài tử, giai nhân) gợi tả sự đông vui, tấp nập; từ ghép động từ (sắm sửa, dập dìu) gợi tả sự rộn ràng náo nhiệt; từ ghép tính từ (gần xa, nô nức) làm rõ hơn tâm trạng của người đi hội. Cách nói ẩn dụ nô nức yến anh, so sánh ngựa xe như nước, áo quần như nêm gợi lên hình ảnh từng đoàn người, nhất là nam thanh, nữ tú, tài tử, giai nhân đang nhộn nhịp đi chơi xuân như chim én, chim oanh bay ríu rít. => Thông qua buổi du xuân của hai chị em Thúy Kiều, có thể khẳng định: Nguyễn Du là người am hiểu, trân trọng và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. - Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải), hình ảnh mùa xuân đất nước hiện lên một cách tự nhiên. Hình ảnh mùa xuân người cầm súng; người ra đồng biểu trưng cho hai nhiệm vụ chiến đấu và lao động. Đây là ý thơ quen thuộc của văn học Cách mạng. Sức sống của đất trời đọng lại trong hình ảnh lộc non – búp non trên cành lá ngụy trang của người chiến sĩ ra trận, lộc non của mạ gieo trên khắp cánh đồng, thế vươn lên phát triển của cuộc sống mới trong công cuộc dựng xây và bảo vệ tổ quốc. Sức sống mùa xuân đất nước còn được cảm nhận trong nhịp điệu hối hả, những âm thanh xôn xao, hình ảnh so sánh đẹp: Đất nước như vì sao – Cứ đi lên phía trước. Đất nước hướng tới tương lai bằng sức mạnh của bốn ngàn năm vất vả gian lao với biết bao thăng trầm, thử thách + Từ cảm xúc về mùa xuân của thiên nhiên, đất nước, nhà thơ chuyển sang bày tỏ những suy ngẫm và tâm niệm của mình. Đó là khát vọng được hòa nhập, dâng hiến phần tốt đẹp – dù nhỏ bé của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước. Cảm động hơn là sự cống hiến lặng lẽ âm thầm, bất chấp cả thời gian tuổi tác, bệnh tật vẫn trọn cuộc đời cống hiến. Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi con người biết sống, biết chăm lo cho cuộc đời chung. + Tứ thơ xoay quanh hình ảnh mùa xuân, từ mùa xuân của đất trời đến mùa xuân của quê hương đất nước và mùa xuân trong lòng người. Ý thơ tập trung không dàn trải. Thể thơ 5 tiếng giàu nhạc điệu, đậm chất dân ca. Giọng điệu phù hợp biến đổi với nội dung từng đoạn: khi thì sôi nổi da diết, khi thì thâm trầm, sâu lắng. Các hình ảnh và biện pháp tu từ tạo nên giá trị đặc trưng, biểu cảm của bài thơ. 3. Lý giải sự giống và khác nhau (1,0 điểm).
  5. - Có những điểm tương đồng là do cả Nguyễn Du và Thanh Hải đều là những nhà thơ yêu thiên nhiên, yêu cuộc đời, nhạy cảm với cái đẹp. Mùa xuân là sự khởi đầu, sức sống căng tràn khiến lòng người xốn xang thăng hoa thành những dòng cảm xúc, những vần thơ đẹp. - Có điểm khác biệt là do yêu cầu sáng tạo của văn chương, do khác nhau về thời đại và phong cách riêng của mỗi nhà thơ, chủ đề tư tưởng của mỗi tác phẩm. 4. Đánh giá chung (1,0 điểm). - Nguyễn Du là nhà thơ cổ điển, Thanh Hải là nhà thơ hiện đại, cách mạng. Mỗi nhà thơ một phong cách, mỗi bài thơ, đoạn thơ một vẻ đẹp. Điều đó không chỉ thể hiện tài năng, nét độc đáo riêng biệt trong văn phong mỗi tác giả mà còn khẳng định sức sống trường tồn của thi phẩm trong lòng người đọc. - Thơ là tiếng hát của tâm hồn làm rung động bao trái tim con người. Chính các thi nhân đã cho ta biết yêu, rung động trước cái đẹp của cuộc đời qua các trang thơ. Những lời thơ như thế vừa sáng lên nét cảnh vừa thấm sâu chất tình. C. Biểu điểm. - Điểm 9-10: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, lập luận chặt chẽ, văn viết có cảm xúc, dẫn chứng chọn lọc, chính xác, có sức thuyết phục, có thể mắc một vài sai sót không đáng kể. - Điểm 7-8: Đáp ứng phần lớn những yêu cầu trên, lập luận tương đối chặt chẽ, dẫn chứng chọn lọc, chính xác. Có thể mắc những lỗi nhỏ. - Điểm 5-6: Tương đối đủ các ý lớn tuy còn sơ sài, biết chọn và phân tích dẫn chứng, còn mắc một số lỗi. - Điểm 3-4: Chưa thật hiểu yêu cầu của đề, nội dung sơ sài. - Điểm 1-2: Hiểu sai đề, diễn đạt yếu.