20 đề thi môn Tiếng Việt Lớp 2 (Kèm đáp án)

docx 40 trang nhatle22 3150
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "20 đề thi môn Tiếng Việt Lớp 2 (Kèm đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docx20_de_thi_mon_tieng_viet_lop_2_kem_dap_an.docx

Nội dung text: 20 đề thi môn Tiếng Việt Lớp 2 (Kèm đáp án)

  1. 20 ĐỀ THI HỌC KỲ 2 TIẾNG VIỆT LỚP 2 (CÓ LỜI GIẢI CHI TIẾT) ĐỀ SỐ 1 (Đề kiểm tra học kì II) A. Kiểm tra đọc: I. Đọc thành tiếng: (6 điểm) Bài đọc: Chim sơn ca và bông cúc trắng. II. Đọc thầm và làm bài tập: (4 điểm) Bài đọc: Một trí khôn hơn trăm trí khôn 1. Gà Rừng và Chồn là đôi bạn thân nhưng Chồn vẫn ngầm coi thường bạn. Một hôm, Chồn hỏi Gà Rừng: - Cậu có bao nhiêu trí khôn? - Mình chỉ có một thôi. - Ít thế sao? Mình thì có hàng trăm. 2. Một buổi sáng, đôi bạn dạo chơi trên cánh đồng. Chợt thấy một người thợ săn, chúng cuống quýt nấp vào một cái hang. Nhưng người thợ săn đã thấy dấu chân của chúng. Ông reo lên: “Có mà trốn đằng trời!”. Nói rồi, ông lấy gậy thọc vào hang. Gà Rừng thấy nguy quá, bảo Chồn: - Cậu có trăm trí khôn, nghĩ kế gì đi! Chồn buồn bã: - Lúc này, trong đầu mình chẳng còn một trí khôn nào cả. 3. Đắn đo một lúc, Gà Rừng nghĩ ra một mẹo ghé tai Chồn: - Mình sẽ làm như thế, còn cậu cứ thế nhé! Mọi chuyện xảy ra đúng như Gà Rừng đoán. Người thợ săn lôi Gà Rừng ra, thấy cứng đờ, tưởng Gà Rừng đã chết. Ông ta quăng nó xuống đám cỏ rồi thọc gậy vào hang bắt Chồn. Thình lình, Gà Rừng vùng chạy. Người thợ săn đuổi theo. Chỉ chờ thế, Chồn vọt ra, chạy biến vào rừng. 4. Hôm sau, đôi bạn gặp lại nhau. Chồn bảo Gà Rừng: - Một trí khôn của cậu còn hơn cả trăm trí khôn của mình. (Theo Truyện đọc 1 – NXB Giáo dục 1994) Chọn câu trả lời đúng: 1. Đang dạo chơi trên cánh đồng, Chồn và Gà Rừng gặp chuyện gì? a) Gặp thú dữ b) Gặp bác thợ săn, bị bác thợ săn đuổi bắt c) Các ý trên đều sai 2. Khi chưa gặp nạn, thái độ của Chồn đối với Gà Rừng ra sao? a) Ngầm xem thường bạn b) Cho rằng bạn có ít trí khôn, còn mình có nhiều trí khôn c) Cả hai ý (a) và (b) 3. Nhờ đâu Gà Rừng và Chồn thoát nạn? a) Nhờ Chồn có trí khôn b) Nhờ Gà Rừng có trí khôn, có mưu mẹo để thoát nạn c) Cả hai ý (a) và (b) 4. Trong câu “Gà Rừng vùng chạy”, từ ngữ nào trả lời cho câu hỏi Con gì? a) Vùng chạy b) Gà Rừng c) Gà B. Kiểm tra viết: I. Chính tả (Nghe – Viết): (5 điểm) Bài viết: Sân chim 1
  2. Chim nhiều không tả xiết. Chúng đậu và làm tổ thấp lắm, đứng dưới gốc cây có thể thò tay lên tổ nhặt trứng một cách dễ dàng. Tiếng chim kêu vang động bên tai, nói chuyện không nghe được nữa. Thuyền đã đi xa mà vẫn thấy chim đậu trắng xóa trên những cành cây sát sông. (Theo Đoàn Giỏi) II. Tập làm văn: (5 điểm) Viết đoạn văn từ 3 đến 5 câu kể về mùa xuân. ĐÁP ÁN A. Kiểm tra đọc: (10 điểm) I. Đọc thành tiếng: (6đ) II. Đọc thầm và làm bài tập: (4đ). Mỗi câu đúng được 1 điểm. Câu 1: B Câu 2: C Câu 3: B Câu 4: B B. Kiểm tra viết: (10 điểm) I. Chính tả: (5đ) II. Tập làm văn: (5đ) Bài tham khảo Mùa đông lạnh lẽo vừa đi qua thì mùa xuân đến. Chim én bay về, ríu rít trên vòm trời. Cây cối trong vườn đâm chồi nảy lộc. Các loài hoa cũng bắt đầu khoe sắc thắm. Em rất yêu mùa xuân. Mùa xuân đã đem đến cho mọi nhà những niềm vui đầm ấm, đoàn tụ bên nhau. 2
  3. ĐỀ SỐ 2 (Đề kiểm tra học kì II) A. Kiểm tra đọc: I. Đọc thành tiếng: (6 điểm) Bài đọc: Bé nhìn biển II. Đọc thầm và làm bài tập: (4 điểm) Bài đọc: Tôm Càng và Cá Con 1. Một hôm, Tôm Càng đang tập búng càng dưới đáy sông thì thấy một con vật lạ bơi đến. Con vật thân dẹt, trên đầu có hai mắt tròn xoe, khắp người phủ một lớp vẩy bạc óng ánh. Thấy Tôm Càng ngó mình trân trân, con vật nói: - Chào bạn. Tôi là Cá Con. - Chào Cá Con. Bạn cũng ở sông này sao? - Chúng tôi cũng sống dưới nước như nhà tôm các bạn. Có loài cá ở sông ngòi, có loài cá ở hồ ao, có loài ở biển cả. 2. Thấy đuôi Cá Con lượn nhẹ nhàng, Tôm Càng nắc nởm khen. Cá Con khoe: - Đuôi tôi vừa là mái chèo, vừa là bánh lái đấy. Bạn xem này! Nói rồi, Cá Con lao về phía trước, đuôi ngoắt sang trái. Vút cái, nó đã quẹo phải. Bơi một lát, Cá Con lại uốn đuôi sang phải. Thoắt cái, nó lại quẹo trái. Tôm Càng thấy vậy phục lăn. 3. Cá Con sắp vọt lên thì Tôm càng thấy một con cá to mắt đỏ ngầu, nhằm Cá Con lao tới, Tôm Càng vội búng càng, vọt tới, xô bạn vào một ngách nhỏ. Cú xô làm Cá Con bị va vào vách đá. Mất mồi, con cá dữ tức tối bỏ đi. 4. Tôm càng xuýt xoa hỏi bạn có đau không. Con cá cười: - Cảm ơn bạn. Toàn thân tôi phủ một lớp vẩy. Đó là bộ áo giáp bảo vệ tôi nên tôi có va vào đá cũng không đau. Cá Con biết tài búng càng của Tôm Càng, rất nể trọng bạn. Cả hai từ đấy kết bạn cùng nhau. (Theo Trương Mĩ Đức – Tú Nguyệt – Hoàng Lan dịch) Chọn câu trả lời đúng: 1. Khi gặp Tôm Càng ngó mình trân trân, cá Con đã làm gì? a) Chào Tôm Càng b) Giới thiệu tên mình cho Tôm Càng biết c) Cả hai ý (a) và (b) 2. Đuôi Cá Con có lợi ích gì? a) Giúp Cá Con lượn nhẹ nhàng, quẹo trái, quẹo phải rất đẹp b) Được xem như mái chèo và bánh lái để Cá Con bơi dưới nước c) Cả hai ý (a) và (b) 3. Tôm Càng có gì đáng khen? a) Cứu Cá Con, giúp Cá Con ẩn nấp, tránh cá dữ, biết quan tâm đến Cá Con khi Cá Con bị va vào vách đá b) Búng càng rất đẹp, Cá Con rất nể bạn c) Các ý trên đều sai 4. Câu “Tôi là Cá Con” được cấu tạo theo mẫu câu nào? a) Ai là gì? b) Ai thế nào? c) Cả a và b đều sai B. Kiểm tra viết: I. Chính tả (Nghe – Viết): (5 điểm) Bài viết: Voi nhà Con voi lúc lắc vòi ra hiệu điều gì đó, rồi đến trước mũi xe. Tứ lo lắng: - Nó đập tan xe mất. Phải bắn thôi! 3
  4. Nhưng kìa, con voi quặp chặt vòi vào đầu xe và co mình lôi mạnh chiếc xe qua vũng lầy. Lôi xong, nó huơ vòi về phía lùm cây rồi lững thững đi theo hướng bản Tun. (Theo Nguyễn Trần Bé) II. Tập làm văn: (5 điểm) Viết đoạn văn từ 3 đến 5 câu kể về mùa thu. ĐÁP ÁN A. Kiểm tra đọc: (10 điểm) I. Đọc thành tiếng: (6đ) II. Đọc thầm và làm bài tập: (4đ). Mỗi câu đúng được 1 điểm. Câu 1: C Câu 2: C Câu 3: A Câu 4: A B. Kiểm tra viết: (10 điểm) I. Chính tả: (5đ) II. Tập làm văn: (5đ) Viết đoạn văn từ 3 đến 5 câu kể về mùa thu. Bài tham khảo Mùa hè vừa đi qua thì mùa thu đã tới, vườn cây rạt rào thay lá. Trên sân trường, những tán cây bàng vội chuyển sang màu lá úa rồi cũng rụng lá, trơ ra những cành khẳng khiu. Lúc ấy, em nhận ra rằng: Năm học mới đã bắt đầu. Thu đem đến bầu trời màu xanh biếc, mang đến cho chúng em niềm vui ngày khai trường, thu còn đem đến cho chúng em niềm vui rước đèn phá cỗ trong đêm trung thu. Em rất yêu mùa thu. 4
  5. ĐỀ SỐ 3 (Đề kiểm tra học kì II) A. Kiểm tra đọc: I. Đọc thành tiếng: (6 điểm) Bài đọc: Lá thư nhầm địa chỉ II. Đọc thầm và làm bài tập: (4 điểm) Bài đọc: Chuyện bốn mùa 1. Một ngày đầu năm, bốn nàng tiên Xuân, Hạ, Thu, Đông gặp nhau. Đông cầm tay Xuân, bảo: - Chị là người sung sướng nhất! Ai cũng yêu chị. Chị về, vườn cây nào cũng đâm chồi nảy lộc. Xuân nói: - Nhưng phải có nắng của em Hạ, cây trong vườn mới đơm trái ngọt. Có em Hạ, các cô cậu học trò mới được nghỉ hè. Cô nàng tinh nghịch xen vào: - Thế mà thiếu nhi lại thích em Thu nhất. Không có Thu, làm sao có vườn bưởi chín vàng, có đêm trăng rằm rước đèn, phá cỗ Đông giọng buồn buồn: - Chỉ có em là chẳng ai yêu. Thu đặt tay lên vai Đông, thủ thỉ: - Có em mới có bập bùng bếp lửa nhà sàn, có giấc ngủ ấm trong chăn. Sao lại có người không thích em được? 2. Bốn nàng tiên mải miết chuyện trò, không biết bà Đất đã đến bên cạnh từ lúc nào. Bà vui vẻ góp chuyện: - Các cháu mỗi người một vẻ. Xuân làm cho cây lá tươi tốt. Hạ cho trái ngọt hoa thơm. Thu làm cho trời xanh cao, cho học sinh nhớ ngày tựu trường. Còn cháu Đông, ai mà ghét cháu được! Cháu có công ấp ủ mầm sống để xuân về cây cối đâm chồi nảy lộc. Các cháu đều có ích, đều đáng yêu. (Theo Từ Nguyên Tĩnh) Chọn câu trả lời đúng: 1. Bốn nàng tiên tượng trưng cho những mùa nào trong năm: a) Mùa xuân b) Mùa hạ c) Mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông 2. Theo lời của nàng Đông, mùa Xuân có gì hay? a) Vườn cây đâm chồi nảy lộc b) Vườn cây đơm trái ngọt c) Vườn bười chín vàng 3. Theo lời của bà Đất, mùa hạ có gì hay? a) Hạ làm cho trời xanh cao, học sinh nhớ ngày tựu trường b) Hạ ấp ủ mầm sống để xuân về cây cối đâm chồi, nảy lộc c) Hạ cho trái ngọt, hoa thơm 4. Trong câu “Thu về làm cho trời xanh cao, học sinh nhớ ngày tựu trường”, bộ phận nào trả lời cho câu hỏi vì sao? a) Thu về b) Trời xanh cao c) Học sinh nhớ ngày tựu trường B. Kiểm tra viết: I. Chính tả (Nghe – Viết): (5 điểm) Bài viết: Một trí khôn hơn trăm trí khôn Một buổi sáng, đôi bạn dạo chơi trên cánh đồng. Chợt thấy một người thợ săn, chúng cuống quýt nấp vào một cái hang. Nhưng người thợ săn đã thấy dấu chân của chúng. Ông reo lên: “Có mà trốn đằng trời!”. Nói rồi, ông lấy gậy thọc vào hang. (Theo Truyện đọc 1 – NXB Giáo dục 1994) 5
  6. II. Tập làm văn: (5 điểm) Viết đoạn văn từ 3 đến 5 câu kể về mùa hè. ĐÁP ÁN A. Kiểm tra đọc: (10 điểm) I. Đọc thành tiếng: (6đ) II. Đọc thầm và làm bài tập: (4đ). Mỗi câu đúng được 1 điểm. Câu 1: C Câu 2: A Câu 3: C Câu 4: A B. Kiểm tra viết: (10 điểm) I. Chính tả: (5đ) II. Tập làm văn: (5đ) Viết đoạn văn từ 3 đến 5 câu kể về mùa hè. Bài tham khảo Sau những đợt mưa cuối xuân, cây lá trong vườn chuyển sang màu xanh sẫm, tán lá dày, phảng phất trong không gian mùi hương quả ngọt. Bầu trời sáng hơn nhiều, ánh nắng chói chang, rực rỡ, Tất cả như muốn nói rằng: Hè đã đến! Mùa hè đã đem đến những làn gió nồm nam mát mẻ, đem đến cho con người quả ngọt, hoa thơm. Ôi! Mùa hè thật thú vị. 6
  7. ĐỀ SỐ 4 (Đề kiểm tra học kì II) A. Kiểm tra đọc: I. Đọc thành tiếng: (6 điểm) Bài đọc: Gà trắng là chúa tò mò II. Đọc thầm và làm bài tập: (4 điểm) Bài đọc: Sơn Tinh, Thủy Tinh 1. Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái đẹp tuyệt trần, tên là Mị Nương. Nhà vua muốn kén cho công chúa một người hồng tài giỏi. Một hôm, có hai chàng trai đến cầu hôn công chúa. Một người là Sơn Tinh, chúa miền non cao, còn người kia là Thủy Tinh, vua vùng nước thẳm. 2. Hùng Vương chưa biết chọn ai, bèn nói: - Ngày mai, ai đem lễ vật đến trước thì được lấy Mị nương. Hãy đem đủ một trăm ván cơm nếp, hai trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao. Hôm sau, Sơn Tinh mang lễ vật đến trước và được đón dâu về. 3. Thủy Tinh đến sau, không lấy được Mị Nương, đùng đùng tức giận, cho quân đuổi đánh Sơn Tinh. Thủy Tinh hô mưa, gọi gió, dâng nước lên cuồn cuộn. Nhà cửa, ruộng đồng chìm trong biển lửa. Sơn Tinh hóa phép bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi chặn dòng nước lũ. Thủy Tinh dâng nước lên cao bao nhiêu, Sơn Tinh lại nâng đồi núi cao lên bấy nhiêu. Cuối cùng, Thủy Tinh đuối sức, đành phải rút lui. Từ đó, năm nà Thủy Tinh cũng dâng nước đánh Sơn Tinh, gây lũ lụt khắp nơi nhưng lần nào Thủy Tinh cũng chịu thua. (Theo Truyện cổ Việt Nam) Chọn câu trả lời đúng: 1. Những ai đến cầu hôn Mị Nương? a) Sơn Tinh b) Thủy Tinh c) Sơn Tinh và Thủy Tinh 2. Hùng Vương phân xử việc hai vị thần cùng cầu hôn như thế nào? a) Ngày mai, ai đem lễ vật đến trước thì được lấy Mị Nương b) Lễ vật gồm: một trăm ván cơm nếp, hai trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao. c) Cả hai ý (a) và (b) 3. Ai đã cưới được Mị nương? a) Sơn Tinh b) Thủy Tinh c) Cả a và b đều sai 4. Dòng nào dưới đây gồm những từ chỉ hoạt động? a) Đẹp, tài giỏi, cầu hôn, tức giận b) Đánh, bốc, chặn, nâng c) Dâng, hô, gọi, bảo B. Kiểm tra viết: I. Chính tả (Nghe – Viết): (5 điểm) Bài viết: Bé nhìn biển Nghỉ hè với bố Bé ra biển chơi Tưởng rằng biển nhỏ Mà to bằng trời. Như con sông lớn Chỉ có một bờ Bãi giăng với sóng 7
  8. Chơi trò kéo co. Phì phò như bễ Biển mệt thở rung Còng giơ gọng vó Định khiêng sóng lừng. Trần Mạnh Hảo II. Tập làm văn: (5 điểm) Viết đoạn văn từ 3 đến 5 câu kể về mùa đông. ĐÁP ÁN A. Kiểm tra đọc: (10 điểm) I. Đọc thành tiếng: (6đ) II. Đọc thầm và làm bài tập: (4đ). Mỗi câu đúng được 1 điểm. Câu 1: C Câu 2: C Câu 3: A Câu 4: B B. Kiểm tra viết: (10 điểm) I. Chính tả: (5đ) II. Tập làm văn: (5đ) Viết đoạn văn từ 3 đến 5 câu kể về mùa đông. Bài tham khảo Sau những trận mưa ngâu rả rích, khí trời trở lạnh, sờ tay vào nước nghe lạnh buốt. Ai cũng biết rằng: Mùa đông đã đến! Bầu trời mùa đông ảm đạm, không gian một màu xám đục, hơi nước lùa vào tận nhà, gió thổi từng cơn rét buốt. Thế nhưng, mùa đông đem đến cho mọi người giấc ngủ ấm trong chăn, đem đến cho gia đình em những buổi tối đoàn tụ bên lò sưởi. Em rất yêu mùa đông. 8
  9. ĐỀ SỐ 5 (Đề kiểm tra học kì I) A. Kiểm tra đọc: I. Đọc thành tiếng: (6 điểm) Bài đọc: Chim rừng Tây Nguyên II. Đọc thầm và làm bài tập: (4 điểm) Bài đọc: Gấu trắng là chúa tò mò Ở Bắc Cực, hầu hết các con vật đều có bộ lông trắng: chim ưng trắng, cú trắng, thỏ trắng, đến gấu cũng trắng nốt. Gấu trắng là con vật to khỏe nhất. Nó cao gần 3 mét và nặng tới 800 ki-lô-gam. Đặc biệt, gấu trắng rất tò mò. Có lần, một thủy thủ rời tàu đi dạo. Trên đường trở về, thấy một con gấu trắng đang xông tới, anh khiếp đảm bỏ chạy. Gấu đuổi theo. Sực nhớ là con vật này có tính tò mò, anh ném lại cái mũ. Thấy mũ, gấu dừng lại, đánh hơi, lấy chân lật qua lật lại chiếc mũ. Xong, nó lại đuổi. Anh thủy thủ vứt tiếp găng tay, khăn, áo choàng Mỗi lần như vậy, gấu đều dừng lại, tò mò xem xét. Nhưng vì nó chạy rất nhanh nên suýt nữa thì tóm được anh. May mà anh đã kịp lên tàu, vừa sợ vừa rét run cầm cập. (Theo Lê Quang Long – Nguyễn Thị Thanh Huyền) Chọn câu trả lời đúng: 1. Hình dáng của con gấu như thế nào? a) Bộ lông trắng b) Cao gần 3 mét và nặng 800 ki-lô-gam c) Cả hai ý (a) và (b) 2. Tính nết của gấu trắng có gì đặc biệt? a) Có tính tò mò b) Chạy rất nhanh c) Thích nhặt những vật dụng của con người 3. Người thủy thủ làm gì để khỏi bị gấu vồ? a) Chống cự lại gấu b) Vứt mũ, găng tay, khăn, áo choàng để gấu dừng lại, tò mò xem xét, người thủy thủ kịp chạy lên tàu c) Các ý trên đều sai 4. Câu nào dưới đây được cấu tạo theo mẫu Ai là gì? a) Gấu trắng là chúa tò mò b) Gấu đuổi theo c) Sực nhớ là con vật này có tính tò mò, anh ném lại cái mũ B. Kiểm tra viết: I. Chính tả (Nghe – Viết): (5 điểm) Bài viết: Mưa bóng mây Cơn mưa nào lạ thế Thoáng qua rồi tạnh ngay Em về nhà hỏi mẹ Mẹ cười: “Mưa bóng mây”. Cơn mưa rơi nho nhỏ Không làm ướt tóc ai Tay em che trang vở Mưa chẳng khắp bàn tay. Mưa yêu em mưa đến Dung dăng cùng đùa vui Mưa cũng làm nũng nịu Vừa khóc xong đã cười. 9
  10. Tô Đông Hải II. Tập làm văn: (5 điểm) Viết đoạn văn từ 4 đến 5 câu kể về một con vật mà em thích. ĐÁP ÁN A. Kiểm tra đọc: (10 điểm) I. Đọc thành tiếng: (6đ) II. Đọc thầm và làm bài tập: (4đ). Mỗi câu đúng được 1 điểm. Câu 1: C Câu 2: A Câu 3: B Câu 4: A B. Kiểm tra viết: (10 điểm) I. Chính tả: (5đ) II. Tập làm văn: (5đ) Viết đoạn văn từ 4 đến 5 câu kể về một con vật mà em thích. Bài tham khảo Ngày mùa, lúa ngoài đồng chín rộ, chú chim cu gáy từ phương nào bay đến đậu trên cây bạch đàn ở góc vườn em mà gáy cúc cu cu Chim gáy trông hiền lành, chững chạc. Đôi mắt chú trầm ngâm, ngơ ngác nhìn xa. Khi gáy, cái đuôi xòe ra thật duyên dáng. Tiếng gáy trong trẻo, vút cao, vang dài. Tiếng gáy của chú như báo hiệu mùa gặt hái đã đến. Chú chim cu gáy rất đáng yêu. 10
  11. ĐỀ SỐ 6 (Đề kiểm tra học kì II) A. Kiểm tra đọc: I. Đọc thành tiếng: (6 điểm) Bài đọc: Sông Hương II. Đọc thầm và làm bài tập: (4 điểm) Bài đọc: Quả tim khỉ Một ngày nắng đẹp, đang leo trèo trên hàng dừa ven sông, Khỉ bỗng nghe một tiếng quẩy mạnh dưới nước. Một con vật da sần sùi, dài thượt, nhe hàm răng nhọn hoắt như một lưỡi cưa sắt, trườn lên bãi cát. Nó nhìn khỉ bằng cặp mắt ti hí với hai hàng nước mắt chảy dài. Khỉ ngạc nhiên: - Bạn là ai? Vì sao bạn khóc? - Tôi là Cá Sấu. Tôi khóc vì chả ai chơi với tôi. Khỉ nghe vậy, mời cá sấu kết bạn. Từ đó, ngày nào Cá Sấu cũng đến, ăn những hoa quả mà Khỉ hái cho. Một hôm, Cá Sấu mời Khỉ đến chơi nhà. Khỉ nhận lời, ngồi trên lưng Cá Sấu. Bơi đã xa bờ, Cá Sấu mới bảo: - Vua của chúng tôi ốm nặng, phải ăn một quả tim khỉ mới khỏi. Tôi cần quả tim của bạn. Khỉ nghe vậy hết sức hoảng sợ. Nhưng rồi trấn tĩnh lại, nó bảo: - Chuyện quan trọng vậy mà bạn chẳng báo trước. Quả tim tôi để ở nhà. Mau đưa tôi về, tôi sẽ lấy tim dâng lên vua của bạn. Cá Sấu tưởng thật, liền đưa Khỉ trở lại bờ. Tới nơi, Khỉ đu vút lên cành cây, mắng: - Con vật bội bạc kia! Đi đi! Chẳng ai thèm kết bạn với những kẻ giả dối như mi đâu. - Cá Sấu tẽn tò, lặn sâu xuống nước, lủi mất. Theo Truyện đọc 1 – NXB Giáo dục 1994 Chọn câu trả lời đúng: 1. Khỉ đối xử với Cá Sấu như thế nào? a) Hái hoa quả cho Cá Sấu ăn b) Mời Cá Sấu kết bạn c) Cả hai ý (a) và (b) 2. Cá Sấu định lừa Khỉ như thế nào? a) Mời Khỉ đến chơi nhà Cá Sấu để Cá Sấu lấy được tim của Khỉ b) Vờ ốm nặng để xin tim của Khỉ c) Các ý trên đề sai 3. Khỉ thoát nạn nhờ đâu? a) Thông minh, bình tĩnh b) Lừa được Cá Sấu để Cá Sấu chở Khỉ vào bờ c) Cả hai ý (a) và (b) 4. Câu nào dưới đây được cấu tạo theo mẫu Ai thế nào? a) Tôi là Cá Sấu b) Cá Sấu tẽn tò, lặn sâu xuống nước, lủi mất c) Các ý trên đều đúng B. Kiểm tra viết: I. Chính tả (Nghe – viết): (5 điểm) Bài viết: Cò và Cuốc Cò đang lội ruộng bắt tép. Cuốc thấy vậy từ trong bụi rậm lần ra, hỏi: - Chị bắt tép vất vả thế chẳng sợ bùn bẩn hết quần áo trắng sao? Cò vui vẻ trả lời: - Khi làm việc, ngại gì bẩn hở chị? Theo Nguyễn Đình Quảng II. Tập làm văn: (5 điểm) Viết đoạn văn (4 đến 5 câu) kể về một con vật nuôi mà em thích. 11
  12. ĐÁP ÁN A. Kiểm tra đọc: (10 điểm) I. Đọc thành tiếng: (6đ) II. Đọc thầm và làm bài tập: (4đ). Mỗi câu đúng được 1 điểm. Câu 1: B Câu 2: A Câu 3: C Câu 4: B B. Kiểm tra viết: (10 điểm) I. Chính tả: (5đ) II. Tập làm văn: (5đ) Viết đoạn văn từ 4 đến 5 câu kể về một con vật nuôi mà em thích. Bài tham khảo Ò ó o Đó là tiếng gáy của chú gà trống nhà em. Chú có bộ mã thật đẹp, mình khoác chiếc áo lông bào óng ánh, đầu đội vương miện đỏ chót, chân chú có chiếc cựa nhọn chìa ra trông rất oai. Chú vừa đẹp lại vừa có giọng gáy rất hay. Chú gáy rất đúng giờ, tiếng gáy của chú vang xa, nó như một khúc nhạc chào đón ánh bình minh, lúc rộn rã, lúc lảnh lót. Nghe tiếng gáy của chú, mọi người đoán biết giờ giấc. Chú thật đáng yêu! 12
  13. ĐỀ SỐ 7 (Đề kiểm tra học kì II) A. Kiểm tra đọc: I. Đọc thành tiếng: (6 điểm) Bài đọc: Cò và Cuốc II. Đọc thầm và làm bài tập: (4 điểm) Bài đọc: Bác sĩ sói 1. Thấy Ngựa đang ăn cỏ, Sói thèm rỏ dãi. Nó toan xông đến ăn thịt Ngựa, nhưng lại sợ ngựa chạy mất. Nó bèn kiếm một cặp kính đeo lên mắt, một ống nghe cặp vào cổ, một áo choàng khoác lên người, một chiếc mũ thêu chữ thập đỏ chụp lên đầu. Xong, nó khoan thai tiến về phía Ngựa. 2. Sói đến gần Ngựa, giả giọng hiền lành, bảo: - Bên xóm mời ta sang khám bệnh. Ta đi ngang qua đây, nếu cậu có bệnh, ta chữa giúp cho. Ngựa lễ phép: - Cảm ơn bác sĩ. Cháu đau chân quá. Ông làm ơn chữa giúp cho, hết bao nhiêu tiền, cháu xin chịu. Sói đáp: - Chà! Chà! Chữa làm phúc, tiền với nong gì. Đau thế nào? Lại đây ta xem. - Đau ở chân sau ấy ạ. Phiền ông xem giúp. 3. Sói mừng rơn, mon men lại phía sau, định lựa miếng đớp sâu vào đùi Ngựa hết đường chạy. Ngựa nhón nhón chân sau, vờ rên rỉ. Thấy Sói đã cúi xuống đúng tầm, nó tung vó đá một cú trời giáng làm Sói bật ngửa, bốn cẳng huơ giữa trời, kính vỡ tan, mũ văng ra. (Theo La Phông-Ten – Huỳnh Lý dịch) Chọn câu trả lời đúng: 1. Khi thấy Ngựa đang ăn cỏ, Sói nảy ra ý định gì? a) Đến làm bạn với Ngựa b) Toan đến ăn thịt Ngựa c) Đến bắt nạt Ngựa 2. Sói đã làm gì để lừa Ngựa? a) Giả làm bác sĩ đi khám bệnh b) Giả giọng hiền lành, vờ đến để khám bệnh cho Ngựa c) Cả hai ý (a) và (b) 3. Ngựa đã làm gì trước âm mưu của Sói? a) Vờ đau chân khi Sói cuối xuống đúng tầm, Ngựa tung vó đá một cú vào Sói như trời giáng b) Sói mon men lại phía sau, định lựa miếng đớp sâu vào đùi Ngựa cho Ngựa hết đường chạy c) Cả hai ý (a) và (b) 4. Dòng nào dưới đây nêu đúng nghĩa từ “khoan thai”? a) Bình tĩnh, tự tin b) Thong thả, không vội vả c) Không sợ hãi B. Kiểm tra viết: I. Chính tả (Nghe – Viết): (5 điểm) Bài viết: Sơn Tinh, Thủy Tinh Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái đẹp tuyệt trần, tên là Mị Nương. Nhà vua muốn kén cho công chúa một người hồng tài giỏi. Một hôm, có hai chàng trai đến cầu hôn công chúa. Một người là Sơn Tinh, chúa miền non cao, còn người kia là Thủy Tinh, vua vùng nước thẳm. (Theo Truyện cổ Việt Nam) II. Tập làm văn: (5 điểm) Viết đoạn văn từ 4 đến 5 câu kể về chú chó của nhà em hoặc của nhà hàng xóm. 13
  14. ĐÁP ÁN A. Kiểm tra đọc: (10 điểm) I. Đọc thành tiếng: (6đ) II. Đọc thầm và làm bài tập: (4đ). Mỗi câu đúng được 1 điểm. Câu 1: B Câu 2: C Câu 3: A Câu 4: B B. Kiểm tra viết: (10 điểm) I. Chính tả: (5đ) II. Tập làm văn: (5đ) Viết đoạn văn từ 4 đến 5 câu kể về chú chó của nhà em hoặc của nhà hàng xóm. Bài tham khảo Chú chó nhà em rất đáng yêu. Tên của chú là Luýt-ky. Bộ lông Luýt-ky màu vàng sẫm, bốn chân cao, bàn chân có đốm trắng trông thật ngộ. Mỗi khi em đi học về, chú chạy ra tận đầu ngõ để đón và mừng tíu tít. Chú thật khôn và thật tình cảm. Em xem chú như người bạn nhỏ của mình. 14
  15. ĐỀ SỐ 8 (Đề kiểm tra học kì II) A. Kiểm tra đọc: I. Đọc thành tiếng: (6 điểm) Bài đọc: Mùa nước nổi II. Đọc thầm và làm bài tập: (4 điểm) Bài đọc: Chim sơn ca và bông cúc trắng 1. Bên bờ rào, giữa đám cỏ dại, có bông cúc trắng. Một chú sơn ca sà xuống, hót rằng: - Cúc ơi! Cúc xinh xắn làm sao! Cúc sung sướng khôn tả. Chim véo von mãi rồi mới bay về bầu trời xanh thẳm. 2. Nhưng sáng hôm sau, khi vừa xòe cánh ra đón bình minh, bông cúc đã nghe thấy tiếng sơn ca buồn thảm. Thì ra, sơn ca đã bị nhốt trong lồng. Bông cúc muốn cứu chim nhưng chẳng làm gì được. 3. Bỗng có hai cậu bé đi vào vườn, cắt cả đám cỏ lẫn bông cúc đem về bỏ vào lồng sơn ca. Con chim bị cầm tù, họng khô bỏng vì khát, rúc mỏ vặt đám cỏ ẩm ướt. Cúc tỏa hương thơm ngào ngạt an ủi chim. Sơn ca dù khát, phải vặt hết nắm cỏ, vẫn không đụng đến bông hoa. Tối rồi, chẳng ai cho con chim khốn khổ một giọt nước. Đêm ấy, sơn ca lìa đời. Bông cúc héo lả đi vì thương xót. 4. Sáng hôm sau, thấy sơn ca đã chết, hai cậu bé đặt con chim vào một chiếc hộp rất đẹp và chôn cất thật long trọng. Tội nghiệp con chim! Khi nó còn sống và ca hát, các cậu đã để mặc nó chết đói khát. Còn bông hoa, giá các cậu đừng ngắt nó thì hôm nay chắc nó vẫn đang tắm nắng mặt trời. Theo An-đéc-xen – Nguyễn Văn Hải, Vũ Minh Toàn dịch Chọn câu trả lời đúng nhất: 1. Trước khi bị bỏ vào lồng, chim và hoa cúc trắng ra sao? a) Chim và hoa vui vẻ, cúc nở hoa xinh xắn, sơn ca hót véo von. b) Cúc héo lá, sơn ca buồn bã c) Các ý trên đều sai 2. Vì sao tiếng hót của chim trở nên buồn thảm? a) Hoa cúc tàn úa b) Chim sơn ca bị nhốt trong lồng, họng khô bỏng vì khát c) Chim sơn ca đói lả vì mãi hót, không đi tìm tức ăn 3. Hành động của các cậu bé gây ra chuyện gì rất đau lòng? a) Chim sơn ca chết, không đem lại tiếng hót véo von b) Bông cúc héo lả, không tỏa hương thơm c) Cả hai ý (a) và (b) 4. Trong câu “Chim véo von mãi rồi mới bay về bầu trời”, từ ngữ nào trả lời cho câu hỏi Con gì? a) Chim b) Véo von mãi c) Bay về bầu trời B. Kiểm tra viết: I. Chính tả (Nghe – Viết): (5 điểm) Bài viết: Xuân về Thế là mùa xuân mong ước đã đến! Đầu tiên, từ trong vườn, mùi hoa hồng, hoa huệ thơm nức. Trong không khí không còn ngửi thấy hơi nước lạnh lẽo mà đầy hương thơm và ánh sáng mặt trời. Cây hồng bì đã cởi bỏ hết những cái áo lá già đen thủi. Tô Hoài II. Tập làm văn: (5 điểm) Viết đoạn văn từ 4 đến 5 câu tả một loài chim mà em thích. 15
  16. ĐÁP ÁN A. Kiểm tra đọc: (10 điểm) I. Đọc thành tiếng: (6đ) II. Đọc thầm và làm bài tập: (4đ). Mỗi câu đúng được 1 điểm. Câu 1: A Câu 2: B Câu 3: C Câu 4: A B. Kiểm tra viết: (10 điểm) I. Chính tả: (5đ) II. Tập làm văn: (5đ) Viết đoạn văn (từ 4 đến 5 câu) tả một loài chim mà em thích. Bài tham khảo Cò là loài chim em thích nhất. Bộ lông cò trắng phau, cái cổ cao, mỏ dài, đôi chân cò màu vàng tươi, cao cao và thanh mảnh. Khi bay, đôi cánh dang rộng, dập dờn thật đẹp. Cò chăm chỉ kiếm ăn, khi lội dưới ruộng, lúc lừng thững bên bờ ao để tìm mồi. Có lúc, cò đứng ngẩn ngơ bên bờ ruộng, nó đã làm cho phong cảnh đồng quê thêm đẹp. Em rất yêu cánh cò ở quê em. 16
  17. ĐỀ SỐ 9 (Đề kiểm tra học kì II) A. Kiểm tra đọc: I. Đọc thành tiếng: (6 điểm) Bài đọc: Tôm Càng và Cá Con II. Đọc thầm và làm bài tập: (4 điểm) Bài đọc: Cá rô lội nước Những bác rô già, rô cụ lực lưỡng, đầu đuôi đen sì lẫn với màu bùn. Những cậu rô đực cường tráng mình dài mốc thếch. Suốt mùa đông ẩn náu trong bùn ao, bây giờ chúng chui ra, khoan khoái đớp bóng nước mưa mới ấm áp, rồi dựng vây lưng ra như ta trương cờ, rạch ngược qua mặt bùn khô, nhanh như cóc nhảy. Hàng đàn cá rô nô nức lội ngược trong mưa, nghe rào rào như đàn chim vỗ cánh trên mặt nước. Tô Hoài Chọn câu trả lời đúng: 1. Cá rô già có màu gì? a) Màu trắng bạc b) Màu đen, giống màu bùn c) Màu xám trắng 2. Mùa đông, cá rô ẩn náo ở đâu? a) Trong lạch nước b) Trong bùn ao c) Trong gốc rạ 3. Đàn cá rô nước mưa tạo ra âm thanh như thế nào? a) Rào rào như đàn chim vỗ cánh trên mặt nước b) Rào rào như cóc nhảy c) Các ý trên đề sai 4. Trong câu “Cá rô nô nức lội ngược trong mưa”, từ ngữ nào trả lời cho câu hỏi Con gì? a) Nô nức b) Lội ngược trong mưa c) Cá rô B. Kiểm tra viết: I. Chính tả (Nghe – Viết): (5 điểm) Bài viết: Sông Hương Mỗi mùa hè tới, hoa phượng vĩ nở đỏ rực hai bên bờ. Hương Giang bỗng thay chiếc áo xanh hàng ngày thành dải lụa đào ửng hồng cả phố phường. Những đêm trăng sáng, dòng sông là một đường trăng lung linh dát vàng. Theo Đất nước ngàn năm II. Tập làm văn: (5 điểm) Viết đoạn văn khoảng 4 đến 5 câu tả cảnh biển buổi sáng. 17
  18. ĐÁP ÁN A. Kiểm tra đọc: (10 điểm) I. Đọc thành tiếng: (6đ) II. Đọc thầm và làm bài tập: (4đ). Mỗi câu đúng được 1 điểm. Câu 1: B Câu 2: B Câu 3: A Câu 4: C B. Kiểm tra viết: (10 điểm) I. Chính tả: (5đ) II. Tập làm văn: (5đ) Viết đoạn văn khoảng 4 đến 5 câu tả cảnh biển buổi sáng. Bài tham khảo Em đã có lần đến biển vào buổi sáng. Biển rất đẹp, mặt biển như tấm thảm khổng lồ màu ngọc thạch. Từng đợt sóng trắng nhấp nhô vỗ vào bờ cát. Xa xa, những cánh buồm dập dềnh trên sóng nước. Ánh mặt trời rực rỡ tỏa xuống làm cho biển buổi sáng thêm trong xanh và tươi đẹp. Em biết mình phải làm gì để góp phần bảo vệ môi trường và cảnh đẹp của biển. 18
  19. ĐỀ SỐ 10 (Đề kiểm tra học kì II) A. Kiểm tra đọc: I. Đọc thành tiếng: (6 điểm) Bài đọc: Kho báu II. Đọc thầm và làm bài tập: (4 điểm) Bài đọc: Ai ngoan sẽ được thưởng 1. Một buổi sáng, Bác Hồ đến thăm trại nhi đồng. Vừa thấy Bác, các em nhỏ đã chạy ùa tới, quây quanh Bác. Ai cũng muốn nhìn Bác cho thật rõ. Bác đi giữa đoàn học sinh, tay dắt hai em nhỏ nhất. Mắt Bác sáng, da Bác hồng hào. Bác cùng các em đi thăm phòng ngủ, phòng ăn nhà bếp, nơi tắm rửa, 2. Khi trở lại phòng học, Bác ngồi giữa các em và hỏi: - Các cháu chơi có vui không? Những lời non nớt vang lên: - Thưa Bác, vui lắm ạ! Bác lại hỏi: - Các cháu ăn có no không? - No ạ! - Các cô có mắng phạt các cháu không? - Không ạ! Bác khen: - Thế thì tốt lắm! Bây giờ Bác chia kẹo cho các cháu. Các cháu có thích kẹo không? Tất cả cùng reo lên: - Có ạ! Có ạ! Một em bé giơ tay xin nói: - Thưa Bác, ai ngoan thì được ăn kẹo, ai không ngoan thì không được ạ! - Các cháu có đồng ý không? - Đồng ý ạ! 3. Các em nhỏ đứng thành vòng rộng. Bác cầm gói kẹo chia cho từng em. Đến lượt Tộ, em không nhận, chỉ khẽ thưa: - Thưa Bác, hôm nay cháu không vâng lời cô. Cháu chưa ngoan nên không được ăn kẹo của Bác. Bác cười trìu mến: - Cháu biết nhận lỗi, thế là ngoan lắm! Cháu vẫn được phần kẹo như các bạn khác. Tộ mừng rỡ nhận lấy kẹo Bác cho. Theo Túy Phương – Thanh Tú Chọn câu trả lời đúng: 1. Bác Hồ gặp và trò chuyện với các em nhỏ ở đâu? a) Nhà văn hóa b) Trại nhi đồng c) Trường mầm non 2. Bác hỏi các em học sinh những gì? a) Các cháu chơi có vui không? Các cô có mắng phạt các cháu không? b) Các cháu ăn có no không? Các cháu có thích kẹo không? c) Cả hai ý (a) và (b) 3. Tại sao Bác khen Tộ ngoan? a) Biết nhận lỗi b) Vâng lời cô giáo c) Cả a và b đều sai 4. Dòng nào sau đây giải thích đúng nghĩa của từ “trìu mến”? a) Vui mừng, lộ rõ bên ngoài b) Thể hiện tình thương yêu 19
  20. c) Các ý trên đều đúng B. Kiểm tra viết: I. Chính tả (Nghe – Viết): (5 điểm) Bài viết: Việt Nam có Bác Bác là non nước trời mây, Việt Nam có Bác mỗi ngày đẹp hơn. Còn cao hơn đỉnh Trường Sơn, Nghìn năm chung đúc tâm hồn ông cha. Điệu lục bát, khúc dân ca Việt Nam là Bác, Bác là Việt Nam. II. Tập làm văn: (5 điểm) Viết đoạn văn ngắn tả một cây bóng mát có ở sân trường em. ĐÁP ÁN A. Kiểm tra đọc: (10 điểm) I. Đọc thành tiếng: (6đ) II. Đọc thầm và làm bài tập: (4đ). Mỗi câu đúng được 1 điểm. Câu 1: B Câu 2: C Câu 3: A Câu 4: B B. Kiểm tra viết: (10 điểm) I. Chính tả: (5đ) II. Tập làm văn: (5đ) Viết đoạn văn ngắn tả một cây bóng mát có ở sân trường em. Bài tham khảo Sân trường em có nhiều cây bóng mát, nhưng em thích nhất là cây bàng được trồng ở góc sân trường. Thân cây to bằng một vòng tay người lớn. Thời gian đã khoác lên cây chiếc áo nâu sần sờn bạc. Tán lá dày, xanh um, những cành lực lưỡng chìa ra như những cánh tay khổng lồ. Cây bàng đã gắn bó với em cùng các bạn. Em xem cây bàng như người bạn thân của mình. 20
  21. ĐỀ SỐ 11 (Đề kiểm tra học kì II) A. Kiểm tra đọc: I. Đọc thành tiếng: (6 điểm) Bài đọc: Chuyện quả bầu II. Đọc thầm và làm bài tập: (4 điểm) Bài đọc: Bóp nát quả cam 1. Giặc Nguyên cho sứ thần sang giả vờ mượn đường để xâm chiếm nước ta. Thấy sứ giặc ngang ngược đủ điều, Trần Quốc Toản vô cùng câm giận. 2. Sáng nay, biết Vua họp bàn việc nước ở dưới thuyền rồng, Quốc Toản quyết đợi gặp Vua để nói hai tiếng “xin đánh”. Đợi từ sáng đến trưa, vẫn không được gặp, cậu bèn liều chết xô mấy người lính gác ngã chúi, xăm xăm xuống bến. Quân lính ập đến vây kín. Quốc Toản mặt đỏ bừng bừng, tuốt gươm, quát lớn: - Ta xuống xin bệ kiến Vua, không kẻ nào được giữ ta lại. 3. Vừa lúc ấy, cuộc họp dưới thuyền rồng tạm nghỉ, Vua cùng các cương hầu ra ngoài mũi thuyền. Quốc Toản bèn chạy đến, quỳ xuống tâu: - Cho giặc mượn đường là mất nước. Xin Bệ hạ cho đánh! Nói xong, cậu tự đặt thanh gươm lên gáy, xin chịu tội. Vua truyền cho Quốc Toản đứng dậy, ôn tồn bảo: - Quốc Toản làm trái phép nước, lẽ ra phải trị tội. Nhưng xét thấy em còn trẻ mà đã biết lo việc nước, ta có lời khen. Nói rồi, Vua ban cho Quốc Toản một quả cam. 4. Quốc Toản tạ ơn Vua, chân bước lên bờ mà lòng ấm ức: “Vua ban cho cam quý nhưng xem ta như trẻ con, vẫn không cho dự bàn việc nước”. Nghĩ đến quân giặc đang lăm le đè đầu cưỡi cổ dân mình, cậu nghiến răng, hai bàn tay bóp chặt. Thấy Quốc Toản trở ra, mọi người ùa tới. Cậu xòe bàn tay phải cho họ xem cam quý Vua ban. Nhưng quả cam đã nát từ bao giờ. Theo Nguyễn Huy Tưởng Chọn câu trả lời đúng: 1. Giặc Nguyên có âm mưu gì đối với nước ta? a) Xâm chiếm nước ta b) Đô hộ nước ta c) Cả a và b đều đúng 2. Trần Quốc Toản xin gặp vua để làm gì? a) Xin vua cho đánh giặc, xin được dự bàn việc nước b) Xin vua cho quả cam c) Các ý trên đều sai 3. Vì sao Quốc Toản vô tình bóp nát quả cam? a) Ấm ức vì vua cho rằng Toản còn nhỏ, chưa thể dự bàn việc nước b) Nghĩ đến quân giặc đang lăm le đè đầu cưỡi cổ dân mình, Quốc Toản nghiến răng, hai bàn tay bóp chặt c) Cả hai ý (a) và (b) 4. Câu “Trần Quốc Toản vô cùng căm giận” được cấu tạo theo mẫu câu nào? a) Ai là gì? b) Ai thế nào? c) Ai làm gì? B. Kiểm tra viết: I. Chính tả (Nghe – Viết): (5 điểm) Bài viết: Cây và hoa bên lăng Bác 21
  22. Sau lăng, những cành đào Sơn La khỏe khoắn vươn lên, reo vui với nhành sứ đỏ của đồng bằng Nam Bộ. Trên bậc tam cấp, hoa dạ hương chưa đơm bông, nhưng hoa nhài trắng mịn, hoa mộc, hoa ngâu kết chùm đang tỏa hương ngào ngạt. II. Tập làm văn: (5 điểm) Viết đoạn văn từ 4 đến 5 câu tả một cây hoa mà em thích. ĐÁP ÁN A. Kiểm tra đọc: (10 điểm) I. Đọc thành tiếng: (6đ) II. Đọc thầm và làm bài tập: (4đ). Mỗi câu đúng được 1 điểm. Câu 1: C Câu 2: A Câu 3: B Câu 4: B B. Kiểm tra viết: (10 điểm) I. Chính tả: (5đ) II. Tập làm văn: (5đ) Viết đoạn văn từ 4 đến 5 câu tả một cây hoa mà em thích. Bài tham khảo Mùa xuân đến, các loài hoa trong vườn đua nhau khoe sắc thắm, hoa nào cũng đẹp, nhưng em thích nhất là cây hoa mai được bố trồng ở trước hiên nhà. Thân cây cao chừng một mét, dáng cây uyển chuyển, cành cây nghiêng nghiêng. Trên đầu cành là những lộc non xanh biếc, chúng đang vươn lên và đơm hoa trong những ngày xuân ấm áp. 22
  23. ĐỀ SỐ 12 (Đề kiểm tra học kì II) A. Kiểm tra đọc: I. Đọc thành tiếng: (6 điểm) Bài đọc: Chiếc rễ đa tròn II. Đọc thầm và làm bài tập: (4 điểm) Bài đọc: Chuyện quả cầu 1. Ngày xửa ngày xưa có hai vợ chồng đi rừng, bắt được một con dúi. Dúi lạy van xin tha, hứa sẽ nói một điều bí mật. Hai vợ chồng thương tình tha cho. Dúi báo sắp có mưa to gió lớn làm ngập lụt khắp nơi. Nó khuyên họ lấy khúc gỗ to, khoét rỗng, chuẩn bị thức ăn đủ bảy ngày, bảy đêm, rồi chui vào đó, bịt kín miệng gỗ bằng sáp ong, hết hạn bảy ngày hãy chui ra. 2. Hai vợ chồng làm theo. Họ còn khuyên bà con trong bản cùng làm nhưng chẳng ai tin. Hai người vừa chuẩn bị xong thì sấm chớp đùng đùng, mây ùn ùn kéo đến. Mưa to, gió lớn, nước ngập mênh mông. Muôn loài đều chết chìm trong biển nước. Nhờ sống trong khúc gỗ nổi như thuyền, hai vợ chồng thoát nạn. Sau bảy ngày, họ chui ra. Cỏ cây vàng úa. Mặt đất vắng tanh không còn một bóng người. 3. Ít lâu sau, người vợ sinh ra một quả bầu. Thấy chồng buồn, chị đem bầu cất lên giàn bếp. Một lần, hai vợ chồng đi làm nương về, nghe thấy tiếng cười đùa trong bếp. Lấy làm lạ, họ lấy quả bầu xuống, áp tai nghe thì thấy có tiếng lao xao. Người vợ lấy que đốt thành cái dùi, rồi nhẹ nhàng dùi quả bầu. Lạ thay, từ trong quả bầu, những con người bé nhỏ nhảy ra. Người Khơ – mú nhanh nhảu ra trước, dính than nên hơi đen. Tiếp đến, người Thái, người Mường, người Dao, người Hmông, người Ê-đê, người Ba-na, người Kinh, lần lượt ra theo. Đó là tổ tiên của các dân tộc anh em trên đất nước ta ngày nay. Theo Truyện cổ Khơ-mú Chọn câu trả lời đúng: 1. Con dúi mách hai vợ chồng người đi rừng điều gì? a) Sắp có nắng hạn làm khô héo ruộng đồng b) Sắp có mưa to gió lớn làm ngập lụt khắp nơi c) Các ý trên đề sai 2. Hai vợ chồng làm cách nào để thoát nạn? a) Làm theo lời con dũi dặn b) Lấy khúc gỗ to, khoét rỗng, chuẩn bị thức ăn đủ bảy ngày, bảy đêm, rồi chui vào đó, bị kín miệng gỗ bằng sáp ong c) Các ý trên đều đúng 3. Có chuyện gì xảy ra với hai vợ chồng sau nạn lụt? a) Người vợ sinh ra một quả bầu b) Hai vợ chồng trở nên giàu có c) Hai vợ chồng được con dũi cho nhiều vàng bạc 4. Bộ phận có gạch chân trong câu “Mặt đất vắng tanh không còn một bóng người” trả lời cho câu hỏi nào? a) Làm gì? b) Là gì? c) Như thế nào? B. Kiểm tra viết: I. Chính tả (Nghe – Viết): (5 điểm) Bài viết: Người làm đồ chơi Bác Nhân là người nặn đồ chơi bằng bột màu. Khi đồ chơi bằng nhựa xuất hiện, hàng của bác không bán được, bác định chuyển nghề về quê làm ruộng. Một bạn nhỏ đã lấy tiền để dành, nhờ bạn bè mua đồ chơi để bác vui trong buổi bán hàng cuối cùng. Theo Tiếng Việt 3 – NXB Giáo dục 23
  24. II. Tập làm văn: (5 điểm) Viết một đoạn văn từ 4 đến 5 câu tả cây phượng vĩ được trồng ở trường em. ĐÁP ÁN A. Kiểm tra đọc: (10 điểm) I. Đọc thành tiếng: (6đ) II. Đọc thầm và làm bài tập: (4đ). Mỗi câu đúng được 1 điểm. Câu 1: B Câu 2: C Câu 3: A Câu 4: C B. Kiểm tra viết: (10 điểm) I. Chính tả: (5đ) II. Tập làm văn: (5đ) Viết một đoạn văn tả cây phượng vĩ trồng ở trường em. Bài tham khảo Sân trường em luôn rập rờn bóng cây, mỗi cây một vẻ đẹp riêng, nhưng đẹp nhất đối với em vẫn là cây phượng vĩ. Thân cây to bằng một vòng tay em, vỏ cây sần sùi màu nâu đất. Cành cây có chiều quằn, chiều lượn, lá phượng mềm mại, sờ vào lá non nghe mát rượi. Phượng ra hoa vào mùa hè, những chùm hoa đỏ rực như ông mặt trời be bé đang trú ngụ trên cành. Em và các bạn rất gắn bó với cây, em mong cây mãi mãi xanh tươi để làm đẹp cho cảnh trường. 24
  25. ĐỀ SỐ 13 (Đề kiểm tra học kì II) A. Kiểm tra đọc: I. Đọc thành tiếng: (6 điểm) Bài đọc: Chuyện quả bầu II. Đọc thầm và làm bài tập: (4 điểm) Bài đọc: Chiếc rễ đa tròn 1. Buổi sớm hôm ấy, như thường lệ, sau khi tập thể dục, Bác Hồ đi dạo trong vườn. Đến gần cây đa, Bác chợt thấy một chiếc rễ đa nhỏ và dài ngoằn ngoèo nằm trên mặt đất. Chắc là trận gió đêm qua đã làm nó rơi xuống. Bác tần ngần một lát, rồi bảo chú cần vụ đứng gần đấy: - Chú cuốn rễ này lại, rồi trồng cho nó mọc tiếp nhé! 2. Theo lời Bác, chú cần vụ xới đất, vùi chiếc rễ xuống. Nhưng bác lại bảo: - Chú nên làm thế nào. Nói rồi, Bác cuộn chiếc rễ thành một vòng tròn và bảo chú cần vụ buộc nó tựa vào hai cái cọ, sau đó mới vùi hai đầu rễ xuống đất. Chú cần vụ thắc mắc: - Thưa Bác, làm thế để làm gì ạ? Bác khẽ cười: - Rồi chú sẽ biết! 3. Nhiều năm sau, chiếc rễ đã bén đất và thành cây đa con có vòng lá tròn. Thiếu nhi vào thăm vườn Bác, em nào cũng thích chơi trò chui qua chui lại vòng lá ấy. Lúc đó mọi người mới hiểu vì sao Bác cho trồng chiếc rễ đa thành hình tròn như thế. (Theo sách Bác Hồ kính yêu) Chọn câu trả lời đúng: 1. Thấy chiếc rễ đa nằm trên mặt đất, Bác Hồ bảo chú cần vụ làm gì? a) Chặt rễ đa để khỏi vướng b) Cuộn rễ đa lại rồi trồng cho nó mọc tiếp c) Các ý trên đều sai 2. Nhiều năm sau, chiếc rễ ấy trở thành một cây đa như thế nào? a) Cây đa có vòng lá tròn b) Cây đa xum xuê, thẳng đuột c) Cây đa cao chót vót 3. Vì sao Bác cho trồng chiếc rễ đa thành hình tròn như thế? a) Thiếu nhi vào thăm vườn Bác, có chỗ vui chơi b) Bác rất quan tâm đến tiếu nhi, Bác biết các em thiếu nhi thích chơi trò chui qua chui lại vòng lá ấy c) Các ý trên đều đúng 4. Trong câu “Bác Hồ đi dạo trong vườn”, từ ngữ nào trả lời cho câu hỏi Làm gì? a) Bác Hồ b) đi dạo trong vườn c) trong vườn B. Kiểm tra viết: I. Chính tả (Nghe – Viết): (5 điểm) Bài viết: Con vện Mỗi khi nó chạy Cái đuôi cong lên, Đuôi như bánh lái Định hướng cho thuyền. Rời nhà xa ngõ Đuôi quắp dọc đường 25
  26. Đuôi buông ủ rũ Là khi nó buồn. Nhưng mà ngộ nhất Là lúc nó vui: Chẳng hề nhếch mép Nó cười bằng đuôi. (Theo Nguyễn Hoàng Sơn) II. Tập làm văn: (5 điểm) Viết đoạn văn khoảng 4 đến 5 câu kể về một việc tốt của em. ĐÁP ÁN A. Kiểm tra đọc: (10 điểm) I. Đọc thành tiếng: (6đ) II. Đọc thầm và làm bài tập: (4đ). Mỗi câu đúng được 1 điểm. Câu 1: B Câu 2: A Câu 3: C Câu 4: B B. Kiểm tra viết: (10 điểm) I. Chính tả: (5đ) II. Tập làm văn: (5đ) Viết đoạn văn từ 4 đến 5 câu kể về một việc tốt của em. Bài tham khảo Một buổi sáng, ánh mặt trời óng ả chiếu xuống sân trường, em rảo bước bên hàng hiên trước dãy phòng học để thưởng thức hoa thơm, chợt em nhìn thấy cây bằng lăng mới trồng ở góc sân trường bị héo lá, thân cành ủ rũ. Em vội đi lấy nước tưới cho cây, bồn đất ở góc cây chóng khô vì thiếu nước. Mấy ngày sau, em cũng tưới nước cho cây đều đặn. Thế là cây trở lại tươi xanh, lá cây xòe ra như đón lấy những dòng nước mát lành mà em đã tưới cho nó. Em rất vui về việc làm của mình. 26
  27. ĐỀ SỐ 14 (Đề kiểm tra học kì II) A. Kiểm tra đọc: I. Đọc thành tiếng: (6 điểm) Bài đọc: Lá cờ II. Đọc thầm và làm bài tập: (4 điểm) Bài đọc: Đàn bê của anh Hồ Giáo Đã sang tháng ba, đồng cỏ Ba Vì vẫn giữ nguyên vẻ đẹp như hồi đầu xuân. Không khí trong lành và rất ngọt ngào. Bầu trời cao vút, trập trùng những đám mây trắng Hồ Giáo đứng đã lâu trên đồng cỏ. Đàn bê ăn quanh quẩn ở bên anh. Giống như những đứa trẻ quấn quýt bên mẹ, đàn bê cứ quẩn vào chân Hồ Giáo. Chúng vừa ăn vừa đùa nghịch. Những con bê đực, y hệt những bé trai khỏe mạnh, chốc chốc lại ngừng ăn, nhảy quẩng lên rồi chạy đuổi nhau thành một vòng tròn xung quanh anh Những cn bê cái thì khác hẳn. Chúng rụt rè chẳng khác nào những bé gái được bà chiều chuộng, chăm bẵm, không dám cho chạy đi chơi xa Chúng ăn nhỏ nhẹ, từ tốn. Thỉnh thoảng, một con, chừng như nhớ mẹ, chạy lại chỗ Hồ Giáo, dụi mõm vào người anh nũng nịu. Có con còn sán vào lòng anh, quơ quơ đôi chân lên như là đòi bế. Theo Phương Vũ Chọn câu trả lời đúng: 1. Đàn bê của anh Hồ Giáo đang ăn cỏ ở đâu? a) Trên đồng cỏ Ba Vì b) Trên thửa ruộng vừa gặt hái c) Các ý trên đều sai 2. Từ ngữ và hình ảnh nào thể hiện tình cảm của đàn bê con với anh Hồ Giáo? a) Giống như những đứa trẻ quấn quýt bên mẹ, có con dụi mõm vào người anh nũng nịu b) Đàn bê cứ quấn vào chân anh Hồ Giáo, có con còn sán vào lòng anh c) Cả hai ý (a) và (b) 3. Theo em, vì sao đàn bê yêu quý anh Hồ Giáo? a) Anh Hồ Giáo rất yêu quý đàn bê, anh chăm sóc đàn bê rất chu đáo b) Đàn bê rất có tình cảm với người c) Đàn bê rất thông minh, luôn gắn bó với người 4. Bộ phận có gạch chân trong câu “Không khí trong lành và rất ngọt ngào” trả lời cho câu hỏi nào? a) Làm gì? b) Như thế nào? c) Là gì? B. Kiểm tra viết: I. Chính tả (Nghe – Viết): (5 điểm) Bài viết: Hoa mai vàng Hoa mai cũng có năm cánh như hoa đào, nhưng cánh hoa mai to hơn cánh hoa đào một chút. Những nụ mai không phô hồng mà ngời xanh màu ngọc bích. Sắp nở, nụ mai mới phô vàng. Khi nở, cánh mai xòe ra mịn màng như lụa. Theo Mùa xuân và phong tục Việt Nam II. Tập làm văn: (5 điểm) Viết đoạn văn khoảng 4 đến 5 câu nói về một loài chim mà em biết. ĐÁP ÁN A. Kiểm tra đọc: (10 điểm) I. Đọc thành tiếng: (6đ) II. Đọc thầm và làm bài tập: (4đ). Mỗi câu đúng được 1 điểm. Câu 1: A Câu 2: C Câu 3: A Câu 4: B 27
  28. B. Kiểm tra viết: (10 điểm) I. Chính tả: (5đ) II. Tập làm văn: (5đ) Viết một đoạn văn nói về một loài chim mà em biết. Bài tham khảo Ngày mùa, lúa vàng chín rộ, các loài chim bay về khắp cánh đồng. Nào là sáo vàng, sáo đậu, sáo đen, chim sẻ, chim ri, đặc biệt nhất là chim ngói. Chim ngói có thân hình giống chim bồ câu con, cái bụng sà xuống, đuôi xòe, cổ đeo cườm lóng lánh. Mỗi khi vui, chim ngói đứng trên cành cây gáy cúc cu , tiếng gáy lảnh lót, vang xa như muốn làm vui cho làng quê, muốn báo hiệu cho một mùa vàng no ấm. 28
  29. ĐỀ SỐ 15 (Đề kiểm tra học kì II) A. Kiểm tra đọc: I. Đọc thành tiếng: (6 điểm) Bài đọc: Bóp nát quả cam II. Đọc thầm và làm bài tập: (4 điểm) Bài đọc: Người làm đồ chơi 1. Bác Nhân, hàng xóm nhà tôi, là một người làm đồ chơi bằng bột màu. Ở ngoài phố, cái sào nứa cắm đồ chơi của bác dựng chỗ nào là chỗ ấy trẻ con xúm lại. Các bạn ngắm đồ chơi, tò mò xem bác nặn những ông Bụt, Thạch Sanh, Tôn Ngộ Không, những con vịt, con gà, sắc màu sặc sỡ. Bác Nhân rất vui với công việc của mình. Mỗi chiều bán về, bác lại kể cho tôi nghe trẻ con thích đồ chơi của bác như thế nào. 2. Dạo này, hàng của bác Nhân bỗng bị ế. Những đồ chơi mới bằng nhựa đã xuất hiện. Một hôm, bác Nhân bảo: bác sắp về quê làm ruộng, không nặn đồ chơi nữa. Tôi suýt khóc, nhưng cố tỏ ra bình tĩnh: - Bác đừng về. Bác ở đây làm đồ chơi bán cho chúng cháu. - Nhưng độ này chả mấy ai mua đồ chơi của bác nữa. - Cháu mua và sẽ rủ bạn cháu cùng mua. Bác cảm động ôm lấy tôi. 3. Hôm sau là buổi bán cuối cùng của bác Nhân: Sáng ấy, tôi đập con lợn đất, đếm được hơn mười nghìn đồng. Tôi chia nhỏ món tiền, nhờ mấy bạn trong lớp mua giúp đồ chơi của bác. Gặp bác chiều ấy, tôi thấy bác rất vui. Bác tặng tôi hai con giống, rồi kể: “Hôm nay, bác bán hết nhẵn hàng. Thì ra, vẫn còn nhiều trẻ nhỏ thích đồ chơi của bác”. Bác còn bảo: - Về quê, bác cũng sẽ nặn đồ chơi để bán. Nghe nói trẻ con ở nông thôn thích thứ này hơn trẻ thành phố. Theo Xuân Quỳnh Chọn câu trả lời đúng: 1. Bác Nhân làm nghề gì? a) Làm đồ chơi bằng nhựa b) Làm đồ chơi bằng bột màu c) Làm đồ chơi bằng gỗ 2. Vì sao bác Nhân định chuyển về quê? a) Hàng của bác Nhân bị ế vì những đồ chơi mới bằng nhựa xuất hiện b) Đồ chơi của bác không thể cạnh tranh được với các loại đồ chơi bằng nhựa mới xuất hiện c) Các ý trên đề đúng 3. Bạn nhỏ trong truyện đã làm gì để bác Nhân vui trong buổi bán hàng cuối cùng? a) Đập con lợn đất tiền, nhờ mấy bạn trong lớp mua giúp đồ chơi của bác b) Bán đồ chơi giúp bác Nhân c) Thu dọn đồ chơi giúp bác Nhân 4. Bộ phận có gạch chân trong câu “Bác Nhân, hàng xóm nhà tôi, là một người làm đồ chơi bằng bột màu” trả lời cho câu hỏi nào? a) Làm gì? b) Là gì? c) Như thế nào? B. Kiểm tra viết: I. Chính tả (Nghe – Viết): (5 điểm) Bài viết: Bác Hồ ở chiến khu Một nhà sàn đơn sơ vách nứa Bốn bên suối chảy cá bơi vui Đêm đêm cháy hồng bên bếp lửa, 29
  30. Ánh đèn khuya còn sáng trên đồi. Nơi đây sống một người tóc bạc Người không con mà có triệu con Nhân dân ta gọi Người là Bác, Cả đời Người là của nước non. Theo Nguyễn Đình Thi II. Tập làm văn: (5 điểm) Viết đoạn văn khoảng 4 đến 5 câu tả một loài cây (hoặc một loài hoa) mà em thích. ĐÁP ÁN A. Kiểm tra đọc: (10 điểm) I. Đọc thành tiếng: (6đ) II. Đọc thầm và làm bài tập: (4đ). Mỗi câu đúng được 1 điểm. Câu 1: B Câu 2: C Câu 3: A Câu 4: B B. Kiểm tra viết: (10 điểm) I. Chính tả: (5đ) II. Tập làm văn: (5đ) Viết đoạn văn khoảng 4 đến 5 câu tả một loài cây (hoặc một loài hoa) mà em thích. Bài tham khảo Vườn nhà em có nhiều loài hoa nhưng hướng dương là loài hoa em thích nhất. Thân cây không cao lắm, chỉ chừng hơn một mét. Lá to, phè phè như cái tai voi, mép lá có răng cưa, sờ vào nghe nham nhám. Hoa hướng dương thường nở vào dịp Tết, những bông hoa vàng hươm rất đẹp. Mỗi lần ngắm hoa, em hình dung ông mặt trời be bé đang trú ngụ trên đầu cành. Hoa hướng dương thật đẹp, thật lộng lẫy, hoa đã làm tăng vẻ đẹp cho vườn nhà em. 30
  31. ĐỀ SỐ 16 (Đề kiểm tra học kì II) A. Kiểm tra đọc: I. Đọc thành tiếng: (6 điểm) Bài đọc: Ai ngoan sẽ được thưởng II. Đọc thầm và làm bài tập: (4 điểm) Bài đọc: Cây và hoa bên lăng Bác Trên quảng trường Ba Đình lịch sử, lăng Bác uy nghi mà gần gũi. Cây và hoa khắp miền đất nước về đây tụ hội, đâm chồi, phô sắc, tỏa ngát hương thơm. Ngay thềm lăng, mười tám cây vạn tuế tượng trưng cho một hàng quân danh dự đứng trang nghiêm. Hướng chính lăng, cạnh hàng dầu nước thẳng tắp, những đóa hoa ban nở lứa đầu. Sau lăng, những cành đào Sơn La khỏe khoắn vươn lên, reo vui với nhành sứ đỏ của đồng bằng Nam Bộ. Trên bậc tam cấp, hoa dạ hương chưa đơm bông nhưng hoa nhài trắng mịn, hoa mộc, hoa ngâu kết chùm đang tỏa hương ngào ngạt. Cây và hoa của non sông gấm vóc đang dâng niềm tôn kính thiêng liêng theo đoàn người vào lăng viếng Bác. Theo Tập đọc lớp 4 – 1977 Chọn câu trả lời đúng: 1. Lăng Bác nằm ở đâu? a) Đỉnh núi Nghĩa Lĩnh b) Quảng trường Ba Đình c) Các ý trên đều sai 2. Xung quanh lăng Bác có gì đẹp? a) Cây và hoa khắp miền đất nước được tụ hội về, đâm chồi, phô sắc, tỏa ngát hương thơm b) Hàng dầu nước thẳng tắp c) Hàng vạn tuế tượng trưng cho một hàng quân danh dự đứng nghiêm. 3. Câu văn nào dưới đây cho thấy cây và hoa cũng mang tình cảm của con người đối với Bác? a) Sau lăng, những cành đào Sơn La khỏe khoắn lên, reo vui với nhành sứ đỏ của đồng bằng Nam Bộ b) Cây và hoa của non sông gấm vóc đang dâng niềm tôn kính thiêng liêng theo đoàn người vào lăng viếng Bác c) Các ý trên đều sai 4. Từ nào dưới đây có thể thay thế cho từ “uy nghi”? a) Uy tín b) Nghi lễ c) Trang nghiêm B. Kiểm tra viết: I. Chính tả (Nghe – Viết): (5 điểm) Bài viết: Cây gạo Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ. Hàng ngàn bông hoa là hàng nghìn ngọn lửa hồng tươi. Hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh. Tất cả đều lóng lánh, lung linh trong nắng. Vũ Tú Nam II. Tập làm văn: (5 điểm) Viết đoạn văn khoảng 4 đến 5 câu tả một cảnh nước hoặc một cảnh biển mà em thích. ĐÁP ÁN A. Kiểm tra đọc: (10 điểm) I. Đọc thành tiếng: (6đ) II. Đọc thầm và làm bài tập: (4đ). Mỗi câu đúng được 1 điểm. 31
  32. Câu 1: B Câu 2: A Câu 3: B Câu 4: C B. Kiểm tra viết: (10 điểm) I. Chính tả: (5đ) II. Tập làm văn: (5đ) Viết đoạn văn khoảng 4 đến 5 câu tả một cảnh sông nước hoặc một cảnh biển mà em thích. Bài tham khảo Một buổi sáng chủ nhật, trời thật đẹp, em cùng cả nhà đi dạo mát ở biển Vũng Tàu. Biển trong xanh, mặt biển mênh mông như tít tắp tận chân trời. Từng cơn sóng nhỏ dập dìu vỗ vào bãi cát. Những đoàn thuyền hối hả ra khơi. Tất cả như muốn nói với em rằng: Biển thật đẹp và sống động! Biển thật đáng yêu. 32
  33. ĐỀ SỐ 17 (Đề kiểm tra học kì II) A. Kiểm tra đọc: I. Đọc thành tiếng: (6 điểm) Bài đọc: Lá cờ II. Đọc thầm và làm bài tập: (4 điểm) Bài đọc: Kho báu 1. Ngày xưa, có hai vợ chồng người nông dân kia quanh năm hai sương một nắng, cuốc bẫm cày sâu. Hai ông bà thường ra đồng từ lúc gà gáy sáng và trở về nhà khi đã lặn mặt trời. Đến vụ lúa, họ cấy lúa, gặt hái xong, lại trồng khoai, trồng cà. Họ không để cho đất nghỉ, họ đã gây dựng được một cơ ngơi đàng hoàng. 2. Nhưng rồi, hai ông bà mỗi ngày một già yếu. Hai con trai của họ đều ngại làm ruộng, chỉ mơ chuyện hão huyền. Ít lâu sau, bà lão qua đời. Rồi ông lão cũng lâm bệnh nặng. Biết mình khó lòng qua khỏi, ông dặn dò các con: - Cha không sống mãi để lo cho các con được. Ruộng nhà có một kho báu, các con hãy tự đào lên mà dùng. 3. Theo lời cha, hai người con đào bới cả đám ruộng mà chẳng thấy kho báu đâu. Vụ mùa đến, họ đành trồng lúa. Nhờ làm đất kĩ, vụ ấy lúa bội thu. Hết mùa, hai người con lại ra công đào bới mà vẫn không tìm được gì. Mùa tiếp theo, họ lại đành trồng lúa và vụ ấy lúa cũng bội thu. Liên tiếp mấy vụ liền được mùa, hai anh em có của ăn của để. Lúc ấy, họ mới hiểu lời dặn dò khi trước của người cha. Theo Ngụ nhôn Ê-đốp – Nguyệt Tú dịch Chọn câu trả lời đúng: 1. Vợ chồng người nông dân có những đức tính gì tốt? a) Cần cù lao động b) Chịu khó làm lụng quanh năm c) Các ý trên đều đúng 2. Trước khi mất, người cha cho các con biết điều gì? a) Ruộng nhà có một kho báu, các con hãy tự đào lên mà dùng b) Trong nhà có một kho báu, các con hãy giữ gìn để mà dùng c) Các ý trên đều sai 3. Theo lời cha, hai người con đã làm gì? a) Đào bới cả đám ruộng b) Đào bới cả vườn nhà c) Canh giữ kho báu 4. Dòng nào dưới đây giải thích đúng nghĩa của từ “bội thu”? a) Thu được mùa b) Thu được nhiều hơn bình thường c) Các ý trên đều đúng B. Kiểm tra viết: I. Chính tả (Nghe – Viết): (5 điểm) Bài viết: Lượm Chú bé loắt choắt Cái xắc xinh xinh Cái chân thoăn thoắt Cái đầu nghênh nghênh. Ca lô đội lệch Mồm huýt sáo vang Như con chim chích Nhảy trên đường vàng 33
  34. II. Tập làm văn: (5 điểm) Viết đoạn văn từ 4 đến 5 câu kể về một việc tốt mà bạn em đã làm. ĐÁP ÁN A. Kiểm tra đọc: (10 điểm) I. Đọc thành tiếng: (6đ) II. Đọc thầm và làm bài tập: (4đ). Mỗi câu đúng được 1 điểm. Câu 1: C Câu 2: A Câu 3: A Câu 4: C B. Kiểm tra viết: (10 điểm) I. Chính tả: (5đ) II. Tập làm văn: (5đ) Viết đoạn văn từ 4 đến 5 câu kể về một việc tốt mà bạn em đã làm. Bài tham khảo Thục An là bạn thân của em. Bạn rất hiếu thảo với bố mẹ. Tuần trước, mẹ bạn bị ốm nặng, Thục An chăm sóc mẹ rất chu đáo. Bạn luôn quanh quẩn bên giường bệnh của mẹ, lúc lấy nước, khi lấy cháo, bạn còn biết pha sữa cho mẹ. Khi khỏi bệnh, mẹ Thục An rất vui. Mẹ nói: Con đã có lòng hiếu thảo rồi đấy! Em cũng rất vui trước việc làm của bạn. 34
  35. ĐỀ SỐ 18 (Đề kiểm tra học kì II) A. Kiểm tra đọc: I. Đọc thành tiếng: (6 điểm) Bài đọc: Quyển sổ liên lạc II. Đọc thầm và làm bài tập: (4 điểm) Bài đọc: Cậu bé và cây si già Bờ ao đầu làng có một cây si già. Thân cây to, cành lá xum xuê, ngả xuống mặt nước. Một cậu bé đi ngang qua. Sẵn con dao nhọn trong tay, cậu hí hoáy khắc tên mình lên cây. Cây đau điếng, nhưng cố lấy giọng vui vẻ, hỏi cậu: - Chào cậu bé. Tên cậu là gì nhỉ? - Cháu tên là Ngoan. - Cậu có cái tên mới đẹp làm sao! Mặt cậu bé rạng lên. Cậu nói: - Cảm ơn cây. - Này, vì sao cậu không khắc tên lên người cậu? Như thế có phải tiện hơn không? – Cây hỏi. Cậu bé rùng mình, lắc đầu: - Đau lắm, cháu chịu thôi! - Vậy thì tại sao cậu lại bắt tôi phải nhận cái điều cậu không muốn? Theo Trần Hồng Thắng Chọn câu trả lời đúng: 1. Cây si già được trồng ở đâu? a) Bờ ao đầu làng b) Vỉa hè đường phố c) Sân trường 2. Cây si được miêu tả như thế nào? a) Thân cây to b) Cành lá xum xuê, ngả xuống mặt nước c) Cả hai ý (a) và (b) 3. Thấy cây si, cậu bé đã làm gì? a) Tưới nước cho cây b) Lấy dao nhọn hí hoáy khắc tên mình lên thân cây c) Vun gốc cho cây 4. Bộ phận có gạch chân trong câu “Mặt cậu bé rạng lên” trả lời cho câu hỏi nào? a) Làm gì? b) Là gì? c) Như thế nào? B. Kiểm tra viết: I. Chính tả (Nghe – Viết): (5 điểm) Bài viết: Cây bàng Cây bàng lá nõn xanh ngời, Ngày ngày chim đến tìm mồi chíp chiu. Đường xa gánh nặng sớm chiều, Kê cái đòn gánh bao nhiêu người ngồi. Đêm qua em ngủ đi rồi, Thấy bàng bỗng lớn, tốt tươi lạ thường. Thấy cả Bác Hồ về làng, Cùng ngồi ở gốc cây bàng của em. Trần Đăng Khoa II. Tập làm văn: (5 điểm) Viết đoạn văn từ 4 đến 5 câu tả một cây ăn quả mà em biết. 35
  36. ĐÁP ÁN A. Kiểm tra đọc: (10 điểm) I. Đọc thành tiếng: (6đ) II. Đọc thầm và làm bài tập: (4đ). Mỗi câu đúng được 1 điểm. Câu 1: A Câu 2: C Câu 3: B Câu 4: C B. Kiểm tra viết: (10 điểm) I. Chính tả: (5đ) II. Tập làm văn: (5đ) Viết đoạn văn từ 4 đến 5 câu tả một cây ăn quả mà em biết Bài tham khảo Cây vú sữa trong vườn em rất xanh tốt. Cây được ông em trồng từ thuở em còn là đứa trẻ lên ba, nay cây đã cho hai mùa trái ngọt. Nhìn từ xa, cây như một cái lọng khổng lồ. Gốc cây to bằng một vòng tay em, vỏ cây sần sùi, nâu nâu như màu đất, rễ cọc ăn sâu xuống lòng đất, rễ phụ trồi lên quanh gốc như những con rắn khum khum. Thích nhất là nhìn những chùm quả lắc lư trên cành, quả nào cũng căng tròn, bóng mượt. Em rất gắn bó với cây, em mong cây luôn có những mùa quả ngọt. 36
  37. ĐỀ SỐ 19 (Đề kiểm tra học kì II) A. Kiểm tra đọc: I. Đọc thành tiếng: (6 điểm) Bài đọc: Chiếc rễ đa tròn II. Đọc thầm và làm bài tập: (4 điểm) Bài đọc: Cây dừa Cây dừa xanh tỏa nhiều tàu, Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng. Thân dừa bạc phếch tháng năm, Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao. Đêm hè hoa nở cùng sao, Tàu dừa – chiếc lược chải vào mây xanh. Ai mang nước ngọt, nước lành, Ai đeo bao hũ rượu quanh cổ dừa. Tiếng dừa làm dịu nắng trưa, Gọi đàn gió đến cùng dừa múa reo. Trời trong đầy tiếng rì rào, Đàn cò đánh nhịp bay vào bay ra. Đứng can trời đất bao la, Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi. Trần Đăng Khoa Chọn câu trả lời đúng: 1. Quả dừa được so sánh với hình ảnh gì? a) Đàn lợn con b) Hũ rượu c) Cả hai ý (a) và (b) 2. Tàu dừa được so sánh với vật gì? a) Chiếc lược b) Đàn cò đánh nhịp c) Cả a và b đề sai 3. Cây dừa gắn bó với các sự vật thiên nhiên nào? a) Gió, trăng, hũ rượu, đàn lợn b) Gió, trăng, mây, nắng, đàn cò c) Các ý trên đều đúng 4. Từ nào động từ? a) Tỏa b) Ngọt c) Bao la B. Kiểm tra viết: I. Chính tả (Nghe – Viết): (5 điểm) Bài viết: Cháu nhớ Bác Hồ Đêm đêm cháu những bâng khuâng Giở xem ảnh Bác cất thầm bấy lâu. Nhìn mắt sáng, nhìn chòm râu, Nhìn vầng trán rộng, nhìn đầu bạc phơ. Càng nhìn càng lại ngẩn ngơ, Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn. Thanh Hải II. Tập làm văn: (5 điểm) Em hãy viết đoạn văn từ 3 đến 5 câu về ảnh Bác Hồ. 37
  38. ĐÁP ÁN A. Kiểm tra đọc: (10 điểm) I. Đọc thành tiếng: (6đ) II. Đọc thầm và làm bài tập: (4đ). Mỗi câu đúng được 1 điểm. Câu 1: C Câu 2: A Câu 3: B Câu 4: A B. Kiểm tra viết: (10 điểm) I. Chính tả: (5đ) II. Tập làm văn: (5đ) Em hãy đoạn văn từ 3 đến 5 câu về ảnh Bác Hồ. Bài tham khảo Sáng nay, em đi học sớm, em có dịp ngắm ảng Bác Hồ thật lâu , thật kĩ. Ôi! Khuôn mặt Bác thật hiền từ, nhân hậu. Đôi mắt Bác sáng tựa ánh sao trời, vầng trán cao, chòm râu dài, bạc trắng. Bác như mỉm cười nhìn em. Nhìn ảnh Bác, em thầm hứa: “Cháu sẽ cố gắng học giỏi để xứng đáng là cháu ngoan của Bác”. 38
  39. ĐỀ SỐ 20 (Đề kiểm tra học kì II) A. Kiểm tra đọc: I. Đọc thành tiếng: (6 điểm) Bài đọc: Những quả đào II. Đọc thầm và làm bài tập: (4 điểm) Bài đọc: Cây đa quê hương Cây đa nghìn năm đã gắn liền với thời thơ ấu của chúng tôi. Đó là cả một tòa cổ kính hơn là một thân cây. Chín, mười đứa bé chúng tôi bắt tay nhau ôm không xuể. Cành cây lớn hơn cột đình. Ngọn chót vót giữa trời xanh. Rễ cây nổi lên mặt đất thành những hình thù quái lạ, như những con rắn hổ mang giận dữ. Trong vòm lá, gió chiều gẩy lên những điệu nhạc li kì tưởng chừng như ai đang cười đang nói. Chiều chiều, chúng tôi ra ngồi gốc đa hóng mát. Lúa vàng gợn sóng. Xa xa, giữa cánh đồng, đàn trâu ra về, lững thững từng bước nặng nề. Bóng sừng trâu dưới ánh chiều kéo dài, lan giữa ruộng đồng yên lặng. Theo Nguyễn Khắc Viện Chọn câu trả lời đúng: 1. Từ ngữ nào dưới đây cho biết cây đa đã có từ rất lâu? a) Cây đa nghìn năm b) Cả một tòa cổ kính c) Cả hai ý (a) và (b) 2. Thân cây được so sánh với gì? a) Tòa cổ kính b) Cột đình c) Cà a và b đều sai 3. Rễ cây được miêu tả như thế nào? a) Nổi lên mặt đất thành những hình thù quái lạ b) Như những con rắn hổ mang giận dữ c) Cả hai ý (a) và (b) 4. Câu “Cây đa nghìn năm đã gắn liền với thời thơ ấu của chúng tôi” được câu tạo theo mẫu câu nào? a) Ai là gì? b) Ai thế nào? c) Ai làm gì? B. Kiểm tra viết: I. Chính tả (Nghe – Viết): (5 điểm) Bài viết: Quạt cho bà ngủ Bàn tay bé nhỏ Vẫy quạt thật đều Ngấn nắng thiu thiu Đậu trên tường trắng. Căn nhà đã vắng Cốc chén nằm im Đôi mắt lim dim Ngủ ngon bà nhé! Thạch Quỳ II. Tập làm văn: (5 điểm) Viết đoạn văn từ 4 đến 5 câu tả một chú mèo mà em thích. ĐÁP ÁN A. Kiểm tra đọc: (10 điểm) 39
  40. I. Đọc thành tiếng: (6đ) II. Đọc thầm và làm bài tập: (4đ). Mỗi câu đúng được 1 điểm. Câu 1: C Câu 2: A Câu 3: C Câu 4: B B. Kiểm tra viết: (10 điểm) I. Chính tả: (5đ) II. Tập làm văn: (5đ) Viết đoạn văn từ 4 đến 5 câu tả một chú mèo mà em thích. Bài tham khảo Nhà em có nuôi nhiều con vật, nhưng chú mèo mun là con vật gần gũi với em nhất. Mèo mun có thân hình mềm mại, bộ lông đen huyền, cái đuôi dài đuồn đuột. Em thích nhất là cặp mắt trong xanh và tròn xoe của chú. Cặp mắt ấy lúc hiền lành, khi sáng quắc, lúc lim dim ngái ngủ. Chú thường quấn quýt bên chân em, thích vuốt ve, thích nằm sưởi nắng Em xem chú như người bạn nhỏ đáng yêu. 40