Đề ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 môn Ngữ văn - Đề 2 (Có lời giải)

docx 4 trang Thu Mai 06/03/2023 2271
Bạn đang xem tài liệu "Đề ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 môn Ngữ văn - Đề 2 (Có lời giải)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docxde_on_thi_tot_nghiep_thpt_nam_2022_mon_ngu_van_de_2_co_loi_g.docx

Nội dung text: Đề ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 môn Ngữ văn - Đề 2 (Có lời giải)

  1. ĐỀ 2 ĐỀ ÔN THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2022 BÁM SÁT ĐỀ MINH HỌA MÔN: NGỮ VĂN Thời gian: 120 phút I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) Đọc đoạn trích sau: Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, trận tấn công Normandy mang tính quyết định đã thành công vang dội. Tại sao lại có được thành công to như vậy? Liên minh quân đội Mỹ - Anh trước khi tấn công đã có một sự chuẩn bị vô cùng kĩ lưỡng. Họ diễn tập rất nhiều lần, không chỉ diễn tập bình thường mà tập dượt cả phương hướng, địa điểm, thời gian, tất cả những việc cần làm khi tấn công. Cuối cùng, khi tấn công thực sự, thắng lợi như đã nằm gọn trong lòng bàn tay, thời gian tấn công chỉ lệch mấy giây so với kế hoạch. Đó chính là sức mạnh của sự chuẩn bị. Người xưa đã dạy, biết lo xa sẽ tránh được tai họa. Chỉ có sự chuẩn bị kĩ lưỡng mới mang đến kết quả tốt nhất. Một người có sự chuẩn bị càng kĩ lưỡng thì khả năng thành công càng cao. Chúng ta đều thuộc lòng câu ngạn ngữ: “Nuôi binh ngàn ngày, dụng binh một giờ” hay “một phút huy hoàng trên sân khấu, mười năm khổ luyện trong cánh gà”. Đó chính là triết lí sâu xa về sự chuẩn bị. Michael Jordan “không trung” là tuyển thủ vĩ đại nhất mọi thời đại trong lịch sử bóng rổ Mỹ, được tôn xưng là vua bóng rổ. Anh có đủ mọi tố chất và điều kiện của một ông vua bóng rổ, anh tham gia bất kì trận đấu nào thì tỉ lệ chiến thắng đều rất cao. Nhưng trước mỗi trận đấu, dù quan trọng hay thông thường, anh đều luyện tập kĩ càng. Anh tập ném bóng, tập các động tác cơ bản. Anh luôn là người luyện tập vất vả nhất trong đội bóng, cũng là người có sự chuẩn bị chu đáo nhất. (Trích Giáo dục thành công theo kiểu Harvard, Tập 2, Vương Nghệ Lộ, người dịch: Nguyễn Đặng Chi, NXB Lao động, 2016, trang 235 - 236) Thực hiện các yêu cầu: Câu 1. Đặt nhan đề cho đoạn trích. Câu 2. Theo tác giả, vì sao trận tấn công Normandy mang tính quyết định đã thành công vang dội và Michael Jordan được tôn xưng là vua bóng rổ? Câu 3. Ghi lại những câu ngạn ngữ và nêu mục đích của việc trích dẫn. Chỉ ra ít nhất hai điểm giống nhau giữa các câu ngạn ngữ đó. Câu 4. Đoạn trích đã gửi đến người đọc thông điệp gì? Anh/chị hãy đề ra khoảng 02 việc cần làm đối với mỗi học sinh sẽ tham dự kỳ thi THPTQG sắp tới để thực hiện thông điệp đó. II. LÀM VĂN (7,0 điểm) Câu 1 (2,0 điểm). Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến được trích từ phần Đọc hiểu: Chỉ có sự chuẩn bị kĩ lưỡng mới mang đến kết quả tốt nhất. Câu 2 (5,0 điểm) Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa ” mẹ thường hay kể Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc Tóc mẹ thì bới sau đầu Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn Cái kèo, cái cột thành tên Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng Đất Nước có từ ngày đó (Trích Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ Văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.88) Cảm nhận của anh chị về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét cách xây dựng hình tượng Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
  2. ĐÁP ÁN I- ĐỌC HIỂU Câu 1. Gợi ý đặt nhan đề cho đoạn trích: Chuẩn bị kĩ lưỡng, Sức mạnh của sự chuẩn bị hoặc Chuẩn bị tốt trước khi hành động Câu 2. Theo tác giả, trận tấn công Normandy mang tính quyết định đã thành công vang dội và Michael Jordan được tôn xưng là vua bóng rổ vì đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo. Câu 3. Những câu ngạn ngữ: Nuôi binh ngàn ngày, dụng binh một giờ; Một phút huy hoàng trên sân khấu, mười năm khổ luyện trong cánh gà. - Mục đích của việc trích dẫn là: khẳng định hơn nữa tính đúng đắn của vấn đề, tăng tính thuyết phục cho đoạn trích - Điểm giống giữa các câu ngạn ngữ này là: Đề cao việc chuẩn bị kĩ lưỡng, chu đáo trước khi hành động. Vẻ đẹp cân xứng, việc sử dụng những số từ giàu ý nghĩa Câu 4. Thông điệp đoạn trích gửi đến người đọc là về sự cần thiết của việc chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi hành động: Chỉ có sự chuẩn bị kĩ lưỡng mới mang đến kết quả tốt nhất hoặc Hãy chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi hành động - 02 việc cần làm đối với mỗi học sinh sẽ tham dự kỳ thi THPTQG sắp tới để thực hiện thông điệp đó là: Miệt mài học tập để có được sự chuẩn bị chu đáo nhất về kiến thức; Trang bị những kĩ năng mềm, lắng nghe bản thân và tìm hiều kĩ ngành nghề sẽ lựa chọn II – LÀM VĂN Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn: Chỉ có sự chuẩn bị kĩ lưỡng mới mang đến kết quả tốt nhất. 1. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn: 0,25 điểm 2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Chỉ có sự chuẩn bị kĩ lưỡng mới mang đến kết quả tốt nhất. 3. Triển khai vấn đề nghị luận (1,0 điểm) - Giải thích: + Sự chuẩn bị: trang bị, tích lũy những gì cần thiết; xem xét, cân nhắc, tập dượt, dự tínhcác phương án khác nhau trước khi hành động. + Kĩ lưỡng: chú ý đầy đủ đến từng chi tiết, cẩn trọng, đến nơi đến chốn → Ý kiến khẳng định, đề cao tầm quan trọng, ý nghĩa, sự cần thiết của khâu chuẩn bị chu đáo. Chính khâu này sẽ giúp ta thành công - Bàn luận: + Khi thực sự chú trọng việc chuẩn bị, thực tâm chuẩn bị kĩ lưỡng: đáp ứng được yêu cầu, hành động trơn tru, hiệu quả nhất; sẵn sàng ứng phó tốt nhất trước mọi tình huống; có thể đảm bảo sẽ không mắc sai lầm hoặc giảm sai sót đến mức tối thiểu + Khi tỏ ra chủ quan, coi nhẹ công tác chuẩn bị, không chuẩn bị hoặc chuẩn bị một cách qua loa, hời hợt, không đầy đủ, thiếu chu đáo: dễ mắc sai lầm, phải gánh chịu thất bại (Dẫn chứng thực tế) + Chuẩn bị kĩ lưỡng không có nghĩa là chậm chạp, chần chừ; thiếu quyết đoán, mạo hiểm; bỏ lỡ cơ hội - Mở rộng vấn đề: Phê phán những tư tưởng lệch lạc, những biểu hiện chủ quan. 4. Đảm bảo chính tả, ngữ pháp, dùng từ đặt câu: (0,25 điểm) 5. Sáng tạo: (0,25 điểm) Câu 2.
  3. a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,25 điểm): Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề. b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm): Đoạn trích thể hiện những cảm nhận mới mẻ về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm; cách xây dựng hình tượng đất nước của nhà thơ. c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm • Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Khoa Điềm (0,25 điểm), tác phẩm Đất Nước, đoạn trích nghị luận (0,25 điểm): - Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trưởng thành trong phong trào chống Mỹ cứu nước. Thơ ông hấp dẫn người đọc bởi sự kết hợp hài hòa giữa giữa xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam. “Đất Nước” là đoạn thơ trích từ chương V của trường ca “Mặt đường khát vọng” được tác giả hoàn thành ở chiến khu Trị - Thiên năm 1971. Trường ca viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiến miền Nam về non sông đất nước, về sứ mệnh của thế hệ mình, xuống đường đấu tranh hòa hợp với cuộc kháng chiến của dân tộc. Đoạn trích “Đất Nước” là một trong những đoạn thơ hay về đề tài đất nước trong thơ Việt Nam hiện đại. - Đoạn trích: Đoạn trích thuộc phần đầu của bài thơ tác giả lí giải cội nguồn của đất nước. • Cảm nhận đoạn trích (2,5 điểm): ✓ Mở đầu tác giả khẳng định: “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi”. - Thực tế thì đất nước đã có từ rất lâu đời, có từ thuở xa xưa, đã trường tồn qua thời gian, qua biết bao thế hệ. Bởi vậy, thế hệ sau sinh ra, lớn lên mới thấy “Đất Nước đã có rồi”. Cụm từ “đã có rồi” vang lên đầy tự hào về chân lý ấy. ✓ Ba câu thơ tiếp theo, bằng điệp ngữ “Đất Nước” kết hợp các cụm từ “có trong – bắt đầu – lớn lên” – Nguyễn Khoa Điềm đã lý giải thật lãng mạn về nguồn gốc của Đất Nước. - Thứ nhất, đất nước có trong truyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết: “Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể” + Cụm từ “ngày xửa ngày xưa” rất quen thuộc, thường dùng mở đầu cho những câu truyện cổ tích, gợi ý niệm đất nước có từ rất xa xưa. Đó là đất nước sống động trong bầu văn học dân gian tươi đẹp, thắm đượm bao nghĩa tình. - Thứ hai, đất nước hiện lên trong phong tục ăn trầu, tục nhuộm răng đen có từ ngàn đời: “Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn” + Hình ảnh “miếng trầu” gợi nhớ phong tục ăn trầu của người Việt. Miếng trầu nhỏ bé, dung dị nhưng lại là hiện thân của 4000 năm lịch sử, 4000 năm văn hóa. + Hình ảnh “miếng trầu” còn là hiện thân của những biểu tượng đẹp: Với tuổi trẻ, miếng trầu là biểu tượng của tình yêu, hôn nhân. Với người già, miếng trầu là biểu tượng của nghĩa tình. Với các bậc tiền nhân tiên tổ, miếng trầu là nhịp trầu giao cảm với cháu con. Bởi vậy, miếng trầu chính là biểu tượng văn hóa tinh thần của người Việt. - Thứ ba, đất nước quật cường trong truyền thống đánh giặc bảo vệ nước nhà: “Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc” + Hai chữ “lớn lên” là để chỉ sự trưởng thành của đất nước. Hình ảnh cây tre lại gợi liên tưởng đến truyền thuyết Thánh Gióng với sức vươn lên kỳ vĩ của một dân tộc nhỏ bé nhưng rất đỗi anh hùng. + Vẻ đẹp ấy song hành với hình ảnh cây tre Việt Nam. Nó như là sự đồng hiện những phẩm chất trong cốt cách con người Việt Nam: thật thà chất phác, đôn hậu, thuỷ chung, yêu chuộng hoà bình nhưng cũng kiên cường bất khuất trong tranh đấu. ✓Bốn dòng thơ tiếp theo là vẻ đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt: “Tóc mẹ thì bới sau đầu Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn Cái kèo cái cột thành tên Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, dần, sàng” - Đó là vẻ đẹp giản dị của người phụ nữ Việt Nam với hình ảnh “búi tóc sau đầu” (tóc cuộn thành búi cao sau gáy, khác với các dân tộc khác thường cuộn tóc cao trên đỉnh đầu). Hình ảnh ấy đã góp phần
  4. tôn vinh người phụ nữ với vẻ đẹp nữ tính, nhân hậu, bình dị, thuần Việt. - Đó là vẻ đẹp của nếp sống ân nghĩa thủy chung ngàn đời đã trở thành đạo lý của dân tộc: “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”. Thành ngữ “gừng cay muối mặn” được vận dụng một cách đặc sắc: gừng càng già càng cay, muối càng lâu năm càng mặn, con người sống với nhau càng lâu năm càng tình nghĩa. Hình ảnh ấy gợi ta nhớ tới câu ca: “Tay bưng chén muối đĩa gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”. Tình cảm chân thành ấy là nguồn gốc của mọi tình yêu thương như suối nguồn chảy qua muôn thế hệ. - Câu thơ “Cái kèo cái cột thành tên”, gợi nhắc một nét văn hóa của người Việt. Đó là truyền thống làm nhà “kèo – cột”. Cột đẩy nhà lên cao, kèo giữ các cây cột lại với nhau làm nên sự bền vững. Cũng từ gian nhà sự sống ấy, thói quen đặt tên con bằng những vật dụng quen thuộc cũng ra đời. Vì vậy mà cái kèo cái cột “cũng thành tên”. - Đâu chỉ có những vẻ đẹp trên, dân tộc ta còn có truyền thống lao động cần cù, chịu thương chịu khó: “Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng”. +Thành ngữ “một nắng hai sương” gợi lên truyền thống lao động cần cù, chịu thương, chịu khó của cha ông ta. + Liệt kê bốn động từ: “xay”, “giã”, “giần”, “sàng” thể hiện quá trình làm ra hạt gạo. Thấm vào trong hạt gạo bé nhỏ ấy là vị mặn mồ hôi nhọc nhằn của người dân bao đời nay. Câu thơ đã khéo léo nhắc nhở chúng ta phải biết “uống nước nhớ nguồn”, ăn hạt cơm dẻo thơm phải biết nhớ đến công lao người làm ra nó. ✓Đoạn thơ khép lại bằng một câu khẳng định với niềm tự hào: “Đất Nước có từ ngày đó ” - “Ngày đó” là ngày nào ta không rõ nhưng chắc chắn ngày đó là ngày ta có truyền thống đánh giặc, có truyền thống lao động cần cù, có phong tục tập quán, có nền văn hóa. Tất cả đều do nhân dân ta đã tạo nên, đã gìn giữ, bồi đắp và truyền qua nhiều thế hệ. Bởi vậy, đoạn thơ cũng đậm đà tư tưởng lớn – Tư tưởng “Đất nước của nhân dân”. • Đánh giá nội dung, nghệ thuật (0,5 điểm): Thành công của đoạn thơ trên là nhờ vào việc vận dụng khéo léo chất liệu văn học, văn hóa dân gian như phong tục ăn trầu, tục búi tóc, truyền thống đánh giặc, truyền thống nông nghiệp. Nhà thơ sáng tạo một cách nhuần nhuyễn thành ngữ dân gian, ca dao, tục ngữ, cổ tích, truyền thuyết Sử dụng phép tu từ: điệp ngữ, nhân hoá, ẩn dụ, liệt kê Tất cả tạo nên một đoạn thơ đậm đà không gian văn hóa người Việt. Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, lời thơ nhẹ nhàng nhưng vẫn mang đậm hồn thơ triết lí. • Cách xây dựng hình tượng Đất Nước: Khác với các nhà thơ cùng thế hệ - thường tạo một khoảng cách khá xa để chiêm ngưỡng và ngợi ca về đất nước với những ca từ, hình ảnh kì vĩ, mĩ lệ và mang tính chất biểu tượng. Nguyễn Khoa Điềm đã chọn điểm nhìn gần gũi để miêu tả một đất nước tự nhiên, bình dị mà không kém phần thiêng liêng tươi đẹp. Hình ảnh đất nước trong đoạn thơ đầu hiện lên muôn màu muôn vẻ, sinh động lạ thường, lắng đọng trong tâm tưởng ta qua những nét đẹp về phong tục, tập quán, văn hóa, truyền thống mang đậm dấu ấn con người Việt. Đoạn thơ đã thể hiện cảm nghĩ mới mẻ của tác giả về đất nước qua những vẻ đẹp được phát hiện ở chiều sâu trên nhiều bình diện: lịch sử, địa lý, văn hóa, Đóng góp riêng của đoạn trích là ở sự nhấn mạnh tư tưởng “Đất Nước của nhân dân” bằng hình thức biểu đạt giàu suy tư, qua giọng thơ trữ tình – chính trị sâu lắng, thiết tha. d. Chính tả, ngữ pháp (0,25 điểm): Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu e. Sáng tạo: (0,25 điểm). Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.