Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ Văn Khối 12 - Năm học 2014-2015

doc 5 trang nhatle22 3300
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ Văn Khối 12 - Năm học 2014-2015", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docde_thi_chon_hoc_sinh_gioi_cap_tinh_mon_ngu_van_khoi_12_nam_h.doc

Nội dung text: Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ Văn Khối 12 - Năm học 2014-2015

  1. UBND TỈNH BẮC NINH ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NĂM HỌC 2014- 2015 Môn: Ngữ văn - Lớp 12 ĐỀ CHÍNH THỨC Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề) Ngày thi: 2 tháng 4 năm 2015 Câu 1 (4,0 điểm): Ý nghĩa của chất liệu văn hóa dân gian được sử dụng trong đoạn thơ Đất Nước, trích trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm. Câu 2 (6,0 điểm): Trong buổi giao lưu, trò chuyện với các thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của các trường đại học, học viện tại Hà Nội, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã chia sẻ: “Tôi tin rằng, trong mỗi thất bại luôn có mầm mống của sự thành công”. Trình bày suy nghĩ của anh/ chị về quan niệm trên. Câu 3 (10,0 điểm): Nhận xét về chi tiết nghệ thuật, có ý kiến cho rằng: “ Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Cảm nhận của anh/chị về chi tiết miếng ăn và cách ứng xử của các nhân vật trước miếng ăn ngày đói - bốn bát bánh đúc và bát chè khoán nấu bằng cám- trong truyện ngắn Vợ nhặt để thấy được tài năng và tấm lòng của nhà văn Kim Lân. ===Hết=== (Đề thi có 01 trang) (Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm). Họ và tên thí sinh : Số báo danh Họ và tên, chữ ký: Giám thị 1: Họ và tên, chữ ký: Giám thị 2:
  2. UBND TỈNH BẮC NINH HƯỚNG DẪN CHẤM SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH NĂM HỌC 2014- 2015 Môn: Ngữ văn - Lớp 12 Hướng dẫn chấm có 04 trang Câu 1 (4 điểm): I. Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh có thể viết thành một bài văn ngắn hoặc một đoạn văn. Yêu cầu bố cục sáng rõ, diễn đạt mạch lạc, giàu hình ảnh, cảm xúc. II. Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần nêu được những ý cơ bản sau: 1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, chất liệu văn hóa dân gian (0,5 điểm) - Giới thiệu đoạn thơ Đất Nước trích trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm - Chất liệu văn hóa dân gian (VHDG): bao gồm truyện cổ dân gian (thần thoại, truyền thuyết, cổ tích) ca dao, tục ngữ, phong tục, tập quán, thói quen, lối sống, tâm hồn, văn minh tinh thần, vật chất dân tộc . - Cách sử dụng chất liệu: khi trích dẫn nguyên văn khi tái tạo trong một cảm xúc mới, khi hòa trộn nhiều chất liệu trong một hình ảnh thơ, vừa truyền thống vừa mới mẻ hiện đại. 2. Ý nghĩa về nội dung tư tưởng (2,0 điểm): - Những nét đẹp văn hoá dân gian đã hoá thân vào trang thơ Đất Nước, giúp Nguyễn Khoa Điềm cảm nhận sâu sắc cội nguồn dân tộc, lí giải những vấn đề tưởng chừng như rất khô khan: Đất Nước có từ bao giờ? Đất Nước là gì? Ai làm nên Đất Nước? - Dùng VHDG để khám phá phát hiện là chiều sâu nhận thức về Đất nước, nhân dân của Nguyễn Khoa Điềm. Nhân dân- tập thể những con người lao động - chính là chủ nhân của nền VHDG. Những người dân bình thường lam lũ đã gửi tình yêu, niềm tin, ước mơ, khát vọng vào những câu ca dao tục ngữ, những truyền thuyết, huyền thoại để kể cho con cháu mai sau. VHDG đã trở thành bầu sữa tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn các thế hệ Việt Nam. Nhân dân làm nên văn hóa tâm hồn dân tộc- nhân dân làm nên Đất Nước. - Dùng hình thức của nhân dân để thể hiện tư tưởng Đất Nước của nhân dân, không chỉ dừng ở lí trí mà thấm nhuần trong cảm xúc là một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm. Tư tưởng Đất Nước của nhân dân là một tư tưởng mang tầm vóc lịch sử được thể hiện một cách sáng tạo nhuần nhị, vừa sâu sắc toàn diện vừa bay bổng diệu kì trong trang thơ Nguyễn Khoa Điềm, thể hiện tình yêu đất nước, tình yêu văn hóa dân gian, bản sắc dân tộc của tác giả, đồng thời đánh dấu bước phát triển trong nhận thức của tuổi trẻ Việt Nam về đất nước, nhân dân. 3. Ý nghĩa về mặt hình thức nghệ thuật (1,5 điểm): - Chất liệu văn hóa dân gian tạo nên một thế giới nghệ thuật bay bổng huyền diệu đẹp đẽ. - Chất liệu hình thức phù hợp sâu sắc với nội dung tư tưởng. Nội dung nào, hình thức ấy. - Chất liệu văn hóa dân gian đã đem lại chất trữ tình lãng mạn khiến cho thơ Nguyễn Khoa Điềm chính luận mà không khô khan, kết hợp suy tưởng - trữ tình, cảm xúc, kế thừa và phát huy nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc. III. Biểu điểm - Điểm 4: Đáp ứng đầy đủ các ý cơ bản nêu trên, diễn đạt giàu cảm xúc, trôi chảy, không mắc lỗi. - Điểm 3: Đáp ứng 2/3 số ý, diễn đạt lưu loát, hành văn trôi chảy, không mắc lỗi chính tả. - Điểm 2: Đáp ứng 1/2 số ý, diễn đạt còn thiếu chất văn, ít cảm xúc, mắc lỗi diễn đạt, chính tả. - Điểm 1: Phân tích được 1 ý, diễn đạt còn mắc nhiều lỗi. - Điểm 0: Sai lệch cả nội dung và phương pháp hoặc không làm bài. Câu 2 (6,0 điểm) I. Yêu cầu về kĩ năng: - Biết cách làm bài nghị luận xã hội về tư tưởng, đạo lí. - Vận dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt các thao tác lập luận: giải thích, chứng minh, bình luận, so sánh, - Lời văn trong sáng, diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp.
  3. II. Yêu cầu về kiến thức: 1/ Giải thích (1,0 điểm) - Thất bại nghĩa là không đạt được kết quả, mục đích như dự định. - Thành công là đạt được kết quả, mục đích như mong muốn. - “Mầm mống” nghĩa là nguyên nhân, là bài học bổ ích mà ta nhận ra được từ sự thất bại đó. => Câu nói đúc kết một kinh nghiệm sống có ý nghĩa thực tế: con người trước mỗi thất bại không nên thất vọng mà phải nhận ra được bài học, rút kinh nghiệm để rồi đi đến thành công. 2/ Bàn luận (4,0 điểm) - Khẳng định câu nói thể hiện một nhân sinh quan tích cực, một lời khuyên đúng đắn: (3,0 điểm) + Con đường đi đến thành công không phải lúc nào cũng bằng phẳng, xuôi chiều có rất nhiều khó khăn trở ngại do chủ quan, khách quan. Thất bại là điều khó tránh khỏi + Thất bại không phải là dấu chấm hết. Nếu biết phân tích, tìm nguyên nhân, cách khắc phục thì con người sẽ rút ra được những bài học, kinh nghiệm quý báu để có thể thành công trong những lần sau. Biết đối diện và vượt qua sai lầm con người sẽ được bồi đắp thêm bản lĩnh sống, kinh nghiệm sống, đó là yếu tố quan trọng để có thể thành công. + Nếu gục ngã, buông xuôi trước thất bại con người sẽ trở nên yếu mềm. Thiếu ý chí, nghị lực, không chiến thắng được bản thân thì không thể thành công. + Câu nói là sự trải nghiệm của chính Ngô Bảo Châu có ý nghĩa an ủi, động viên ta khi ta gặp thất bại trong cuộc sống, truyền cho con người niềm tin để phấn đấu vươn tới thành công. (Ngô Bảo Châu từng thi hỏng nhưng sau đó đã quyết tâm thi đỗ vào lớp chuyên Toán THCS Trưng Vương Hà Nội và luôn là gương mặt xuất sắc của trường, của thành phố Hà Nội, của cả nước giành nhiều giải thưởng cao trong các kì thi quốc tế. Có thời gian, Ngô Bảo Châu tưởng như rơi vào bế tắc trong việc chứng minh Bổ đề cơ bản cho đại số Lie- điều mà đã 30 năm qua các nhà toán học hiện đại thế giới chưa chinh phục được. Và GS Ngô Bảo Châu đã lần lượt thành công với các giải thưởng Clay, rồi giải thưởng danh giá Field vốn được xem là giải Nô-ben của Toán học) - Mở rộng, bàn bạc (1,0 điểm) + Con người cần có khát vọng đem lại thành công không chỉ cho mình mà cho cả cộng đồng. + Phê phán những người thiếu niềm tin, thiếu quyết tâm vươn lên sau mỗi lần thất bại. Phê phán những người không có ý chí phấn đấu, lạm dụng tư tưởng “sự thất bại là mẹ đẻ của thành công”, chủ quan, dễ bằng lòng với bản thân. 3/ Bài học, liên hệ bản thân (1,0 điểm) - Không có thất bại, vấn đề quan trọng là con người phải biết học cách đứng dậy sau những vấp ngã. - Cần mạnh mẽ và bản lĩnh để vượt qua sai lầm, có niềm tin vào bản thân để đi tới thành công. - Liên hệ những trải nghiệm của bản thân, có thể là từ việc nhỏ, không nhất thiết phải là những điều quá to tát, thiếu sức thuyết phục. Mỗi luận điểm cần lấy dẫn chứng thực tế để minh họa. Lưu ý: Thí sinh có thể trình bày những quan điểm riêng. Tuy nhiên, cần có thái độ chân thành, nghiêm túc, tư tưởng nhất quán trên tinh thần nhân văn, lập luận thuyết phục. III. Biểu điểm: - Điểm 5-6 : Luận điểm đủ, rõ, lập luận sắc sảo, dẫn chứng phong phú, diễn đạt giàu chất văn, không mắc lỗi chính tả ngữ pháp. - Điểm 3-4 : Luận điểm đầy đủ, dẫn chứng chưa thật phong phú, văn viết trôi chảy song còn thiếu cảm xúc, còn lỗi hành văn, diễn đạt, ngữ pháp. - Điểm 1-2 : Luận điểm thiếu, diễn đạt khô khan thiếu cảm xúc. - Điểm 0 : Sai nội dung và phương pháp hoặc không làm bài. Câu 3 (10 điểm) I. Yêu cầu về kĩ năng: Thí sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học, bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, lời văn trong sáng; không mắc lỗi về chính tả, dùng từ và ngữ pháp. II. Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể triển khai bài viết theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo những nội dung sau: 1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề (2,0 điểm)
  4. - Giới thiệu Kim Lân, truyện ngắn Vợ nhặt (1,0 điểm) Một trong những thành công về phương diện nghệ thuật của Kim Lân trong tác phẩm Vợ nhặt là sáng tạo những chi tiết nghệ thuật đặc sắc có sức biểu hiện lớn. Một trong số đó là chi tiết miếng ăn- cách ứng xử trước miếng ăn của con người trong nạn đói. - Giải thích “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn” (1,0 điểm) + Chi tiết: là những yếu tố nhỏ lẻ (chi- cành, tiết- đốt) của tác phẩm. Có những chi tiết nghệ thuật tuy nhỏ nhưng mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng, tạo nên sức hấp dẫn truyền cảm, sống động cho hình tượng văn học, bộc lộ quan niệm nghệ thuật về con người, cuộc sống của nhà văn, thậm chí là tiền đề cho sự phát triển cốt truyện. Tuỳ theo sự thể hiện cụ thể mà chi tiết nghệ thuật có khả năng giải thích, tái hiện, biểu hiện khiến hình tượng nghệ thuật trở nên cụ thể, gợi cảm và sống động, khiến ý đồ tư tưởng của nhà văn hiện hình rõ rệt, trở thành điểm hội tụ tư tưởng của tác giả trong tác phẩm. + Nhà văn lớn: nhà văn có nhiều đóng góp về giá trị nội dung, tư tưởng cũng như nghệ thuật qua những sáng tác của mình. Chi tiết nghệ thuật thể hiện khả năng khái quát hiện thực và sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Những chi tiết được chọn lọc, gửi gắm mọi tư tưởng, tình cảm của nhà văn, là sự dồn nén những điều mà nhà văn muốn nói. Tầm vóc tư tưởng, tài năng nghệ thuật của nhà văn bộc lộ ngay trong chính cách nhà văn lựa chọn và sử dụng chi tiết trong tác phẩm. Quá trình lao động nghệ thuật của nhà văn là quá trình lao động công phu, chắt lọc từng chi tiết nhỏ trong đời sống để tạo nên những chi tiết nghệ thuật sáng giá. + Quá trình đọc chính là sự giải mã các chi tiết trong tác phẩm. Những chi tiết đặc sắc còn tạo hứng thú cho người đọc trong quá trình tiếp nhận tác phẩm. Một chi tiết dù nhỏ cũng có thể mang chứa thông điệp giúp người đọc thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm, nắm bắt thông điệp của tác giả, cảm nhận tài năng – tấm lòng đặc biệt là tầm vóc nhà văn. => Nhận định “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn” là hoàn toàn đúng đắn. 2. Cảm nhận chi tiết (6,0 điểm) a. Chi tiết bốn bát bánh đúc (3,0 điểm) - Nêu hoàn cảnh, mô tả chi tiết: Sau khi được mời, người vợ nhặt ăn một chặp bốn bát bánh đúc, ăn xong thị còn theo không Tràng về làm vợ. Giữa những ngày đói, chỉ với 4 bát bánh đúc- một thứ quà rẻ tiền, dân dã của thôn quê, mấy câu đùa bâng quơ nơi đầu đường góc chợ, người đàn bà đói trở thành vợ của Tràng. Chi tiết nằm ở phần đầu tác phẩm. - Cách ứng xử của các nhân vật: + Chi tiết bát bánh đúc được miêu tả như là một cử chỉ hào phóng của Tràng, sẵn sàng chia sẻ, cưu mang đồng loại trong cảnh ngộ khó khăn đói kém, khi mình cũng kề bên cái đói, cái chết. + Người đàn bà hiện lên như là nạn nhân khốn khổ của đói khát, vì miếng ăn mà bất chấp cả danh dự và lòng tự trọng, bất chất cả sĩ diện của một người con gái để gợi ý chuyện ăn uống với một người đàn ông xa lạ. Thị ăn một cách thô tục, với tất cả bản năng của một con người đói khát quên hết cả ý tứ thẹn thùng. - Ý nghĩa : + Chi tiết độc đáo, nghệ thuật thể hiện tâm lí nhân vật qua ngoại hiện, tạo ấn tượng đậm nét trong lòng bạn đọc. Chi tiết quan trọng thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, tô đậm tình cảnh, số phận nhân vật, tỏa rạng chủ đề tác phẩm. + Qua cách ứng xử của các nhân vật trước miếng ăn, ta thấy bức tranh hiện thực đen tối, khi thân phận, giá trị con người bị hạ thấp thê thảm; đồng thời thấy được tấm lòng cưu mang của những con người trong nạn đói, cảm nhận được tấm lòng xót thương của tác giả với người lao động trong cảnh ngộ khốn cùng. b. Chi tiết bát chè khoán nấu bằng cám (3,0 điểm) - Nêu hoàn cảnh, mô tả chi tiết: Sáng hôm sau, trong bữa cơm sum họp đầu tiên đón dâu mới, sau khi ăn cháo loãng với muối và rau chuối thái rối, bà cụ Tứ nấu thêm bát chè khoán bằng cám. Chi tiết nằm ở cuối truyện. - Cách ứng xử của các nhân vật: + Bà mẹ nghèo giàu lòng vị tha, cố gắng hết sức để bữa cơm gia đình vui vẻ đầm ấm. Lời khen “ ngon đáo để” vang lên hai lần, cử chỉ đon đả, điệu bộ vui vẻ của bà như nêm ngọt ngào cho
  5. bát chè cám đắng chát mà bà gọi là chè khoán. Bà đang động viên chính mình và các con trước hoàn cảnh khốn cùng. + Người vợ nhặt “hai con mắt hơi tối lại, nhưng vẫn điềm nhiên và vào miệng”. Đó là cách ứng xử đầy văn hóa, vừa tế nhị giàu nữ tính, vừa thể hiện sự chấp nhận đương đầu với khó khăn đói kém trong một hoàn cảnh mà người ta không thể đòi hỏi điều gì cao xa hơn. Mặt khác nó cũng thể hiện sự thấu hiểu của người vợ nhặt với tấm lòng bà mẹ nghèo, không nỡ làm cho bà thất vọng, mất hứng. Miếng ăn không phải làm no bụng mà là miếng ăn vì tình người. + Tràng cầm đôi đũa gợt một miếng bỏ vội vào miệng, mặt chun lại ngay khi ngậm miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ. Từ đấy, không ai nói gì, ăn cho xong, tránh nhìn mặt nhau, giấu một nỗi tủi hờn trước thực tế buồn tủi. Không ai muốn làm người khác phải buồn đau hơn. Một thái độ ứng xử ý nhị, đầy nhân bản. - Ý nghĩa: + Chi tiết được xây dựng trong thế đối lập tương phản giữa tình cảnh và tình cảm, miếng ăn và tình người, hiện thực và mong muốn. + Chi tiết bát chè khoán nấu bằng cám đắng nghét tô đậm thêm hiện thực đói khát tăm tối, cái đói đang rình rập vây bủa xung quanh. Nhưng cơ bản chi tiết tỏa rạng tình người, bộc lộ những vẻ đẹp người khuất lấp. Qua cách ứng xử của con người trước miếng ăn, nhà văn đã phát hiện, khẳng định phẩm chất tốt đẹp của con người, tình người ngay trong nạn đói khủng khiếp. 3. Đánh giá (2,0 điểm) - Miếng ăn- vấn đề tưởng chừng như rất tầm thường- lại trở nên không tầm thường trong những ngày đói năm 1945 khủng khiếp. Hai chi tiết đều miêu tả về miếng ăn trong ngày đói, đều liên quan đến người vợ nhặt trong hai hoàn cảnh khác nhau, phản ánh tình cảnh, thân phận con người trong nạn đói (đối diện với miếng ăn ngày đói là sự thử thách nghiệt ngã để bộc lộ phẩm chất người). Mô tả cách ứng xử của con người trước miếng ăn, Kim Lân khẳng định vẻ đẹp phẩm chất con người, của tình người trước sự bám đuổi ráo riết của đói khát và chết chóc, nổi bật giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc của tác phẩm. - Hai chi tiết nhỏ được xây dựng trong thế đối sánh, xâu chuỗi (mở đầu và cuối tác phẩm), nhằm khẳng định sự biến đối kì diệu của con người trong nạn đói nhờ sức mạnh của tình yêu thương, sự đùm bọc, của khát vọng hạnh phúc. - Đúng là “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Qua hai chi tiết nhỏ ta thấy tài năng và tấm lòng của Kim Lân- con người một lòng đi về với Đất với Người với những gì thuần hậu nguyên thủy ở làng quê Việt Nam. III. Biểu điểm: - Điểm 9-10: Đáp ứng được các yêu cầu trên, còn mắc vài lỗi nhỏ về diễn đạt. - Điểm 7- 8: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, còn mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt. - Điểm 5- 6: Đáp ứng được khoảng 2/3 các yêu cầu trên, còn mắc một số lỗi về diễn đạt. - Điểm 3- 4: Đáp ứng được khoảng 1/2 các yêu cầu trên, mắc nhiều lỗi diễn đạt. - Điểm 1- 2: Phân tích sơ sài, diễn đạt yếu. - Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề. Giám khảo có thể cho điểm theo ý: Ý 1: 2,0 điểm Ý2: 6,0 điểm Ý 2a : 3,0 điểm- mỗi ý 1,0 điểm Ý 2b : 3,0điểm- mỗi ý 1,0 điểm Ý 3: 2,0 điểm Điểm hình thức trong điểm nội dung. Hết